Cần điều kiện cụ thể để thực hiện quyền dân chủ
Góp ý tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ nói chung và dân chủ ở cơ sở nói riêng là xuyên suốt và thống nhất. Theo đó, Đảng ta khẳng định: Dân chủ là mục tiêu, động lực của sự phát triển; bảo đảm thực hiện dân chủ ở tất cả các cấp các ngành, các lĩnh vực đời sống xã hội…
“Như vậy, thực hiện dân chủ không phải là vấn đề đối phó, mà là vấn đề chiến lược, vấn đề hàng ngày, hàng giờ, thiết thực như cơm ăn, áo mặc. Đảng ta cũng luôn khẳng định, dân là gốc, dân là chủ, dân là trung tâm…Như vậy, các chính sách phải hướng về dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân cũng như bảo đảm sự tham gia của Nhân dân trong việc xây dựng và thực hiện chính sách”- ông Nghị nói.
PGS.TS Phạm Hữu Nghị cũng nhấn mạnh, dân chủ phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm thực hiện. Dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, đồng thời phải quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó mới xác định được cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và là cơ sở để xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, dân chủ phải chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của luật pháp. Luật pháp là hành lang vận động của dân chủ.
“Nguyên tắc hàng đầu phải chú ý đó là: dân chủ phải thuận với pháp luật, đúng với pháp luật; đồng thời, pháp luật phải bảo vệ quyền dân chủ của người dân. Do vậy, chúng ta phải chú trọng mối quan hệ “sinh tử” giữa luật pháp và dân chủ”.
GS Hoàng Chí Bảo cũng kiến nghị cần có một điều khoản riêng về các điều kiện để thực hiện dân chủ ở cơ sở. “Muốn có dân chủ thì cần cái gì? Cần dân sinh (đời sống người dân), dân trí (sự hiểu biết của người dân), dân quyền (quyền của Nhân dân). Tổng hợp các quyền về dân sinh, dân trí, dân quyền mới đến giá trị của dân chủ. Đó chính là điều kiện thực tiễn để thực hiện dân chủ trong xã hội”- GS Hoàng Chí Bảo nhận định.
GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, phải chú trọng mối quan hệ "sinh tử" giữa luật pháp và dân chủ. |
Nói rõ hơn về các điều kiện để thực hiện dân chủ ở cơ sở, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, trước hết người dân phải am hiểu pháp luật, bởi “nếu không am hiểu pháp luật, không thực hiện đúng luật thì tự anh sẽ phá hoại dân chủ của anh”.
Thứ hai, phải tìm ra được phương tiện để người dân tồn tại và phát triển (phải có điều kiện sống một cách hiện thực). “Dân chủ sẽ trở thành một thứ phung phí, hào phóng khi dân còn chết đói”- GS Hoàng Chí bảo nói. Quan tâm đến dân chủ là quan tâm đến những lợi ích thiết thực của người dân, lo cho công ăn việc làm, đời sống của người dân... Đây là biểu hiện vật chất để thực hiện quy chế dân chủ, để biến Luật này từ ý chí thành hiện thực.
Thứ ba, phải đề cao trách nhiệm của người thay mặt dân, được dân ủy quyền (đội ngũ cán bộ, công chức) trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, nếu chúng ta thành công trong việc chống quan liêu, tham nhũng, tham ô; chúng ta thực hiện cho được những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân ở cơ sở thì thì Luật này sẽ là công cụ pháp lý để bảo vệ dân, và chắc chắn tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
“Có được đạo luật về dân chủ ở cơ sở, có thể nói là bước đột phá, là bước tiến rất quan trong trong việc xây dựng nền dân chủ Việt Nam, bởi không phải nước nào cũng có. Tôi tham gia các hoạt động khoa học quốc tế và các dự án quốc tế, họ đánh giá rất cao quy chế dân chủ cơ sở của chúng ta từ năm 1998, 2007; họ cho rằng đây là giải pháp để thực hiện việc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam… Đây là một chính sách lớn và rất thuận với xu thế phát triển của dân chủ hiện đại thế giới, rất thuận với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”-GS bảo cho biết.
Là cơ sở pháp lý củng cố niềm tin của Nhân dân
Góp ý tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế- Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị không nên đưa doanh nghiệp (DN) vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật.
Bởi theo ông, quan hệ nội bộ trong DN đã được điều chỉnh bởi nhiều nhóm luật khác nhau (như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Bộ luật lao động, Luật công đoàn…). Mặt khác, bản chất quan hệ giữa chủ sử dụng lao động (DN) và người lao động là quan hệ hợp đồng, vận hành theo thị trường lao động: có điều khoản, thoả thuận, có pháp luật điều chỉnh riêng. Quyền quan trọng nhất của người lao động là quyền “bỏ phiếu bằng chân” (vote by feet), khi doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của người lao động như lương thấp, quản trị kém, áp lực, hay chỗ khác tốt hơn… thì người lao động luôn có được quyền đơn phương ngừng quan hệ, chấm dứt hợp đồng.
“Quan hệ này không phải và rất khác quan hệ giữa người dân và chính quyền, sự thoả thuận và bỏ phiếu bằng chân kiểu này không tồn tại; người dân với chính quyền không có những quyền như người lao động với DN”- ông Tuấn nói.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất cần thiết, rất quan trọng, nhưng cũng rất khó và phức tạp, nhạy cảm.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu kết luận Hội nghị. |
Việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát huy dân chủ XHCN và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt khác, đây cũng là là yêu cầu khách quan để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
“Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi được thông qua và được tổ chức thực hiện tốt sẽ không chỉ là kết quả thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, pháp điển hóa các văn bản hiện hành về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở mà còn là cơ sở chính trị, pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu thấu đáo để dự án Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông với quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, về quyền làm chủ của Nhân dân…để có được dự thảo tốt nhất trình Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định./.