Hải Phòng đẩy mạnh chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Qua 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, TP Hải Phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Một Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng. (ảnh: baohaiphong.com)
Một Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng. (ảnh: baohaiphong.com)

Công khai, minh bạch để dân tin

Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại Hải Phòng đã từng bước đi vào nền nếp, trình độ nhận thức và khả năng thực thi dân chủ của người dân được nâng lên. Nhân dân đã ngày càng quan tâm đến sự nghiệp đổi mới và phát triển TP; tích cực, chủ động tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật...

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền TP Hải Phòng xác định công khai, minh bạch là chìa khóa thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ngoài tập trung công khai về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của cấp ủy, HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương còn thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các thủ tục hành chính, quyết toán ngân sách, các dự án, công trình đầu tư xây dựng, phương án đền bù khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, các chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, việc bình xét hộ nghèo, thực hiện trợ cấp xã hội, quản lý và sử dụng các loại quỹ, đồ án, đề án xây dựng nông thôn mới…

Việc công khai được thực hiện thông qua các hình thức như niêm yết, thông báo qua hệ thống truyền thanh, thông qua các cuộc họp nhân dân ở thôn, tổ dân phố; nhân dân được tiếp cận thông tin, được bàn và quyết định trực tiếp các vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng dân cư. Các vấn đề được nhân dân bàn và quyết định trực tiếp đã tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện dân chủ trong giải phóng mặt bằng cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được hình thành từ cơ sở như: Mô hình “3 nhà, 4 biết” của quận Hải An, mô hình 5 “rõ”, mô hình “một điểm, một cửa” của quận Hồng Bàng… Chính từ việc nhân dân tin tưởng, đồng thuận, chấp hành… đã góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình, dự án trọng điểm của TP.

Việc thực hiện dân chủ gắn với xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được cấp ủy các địa phương coi trọng chỉ đạo thực hiện. Trong công tác quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị, việc mở rộng và phát huy dân chủ gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh” đạt được kết quả tích cực.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Ngô Quyền.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Ngô Quyền.

Tăng cường lắng nghe, đối thoại với dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn TP còn tồn tại hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn lúng túng, thiếu chủ động trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC; việc cụ thể hóa các nội dung xây dựng và thực hiện QCDC trên một số lĩnh vực còn chậm, hình thức, chưa thực sự gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ở một số địa phương, nội dung, cách thức thực hiện dân chủ khi triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới như: Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, huy động sự đóng góp của nhân dân… chưa phù hợp dẫn đến phát sinh một số vụ việc phức tạp, kéo dài, khó giải quyết. Hiệu quả tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát còn hạn chế...

Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở thực chất và hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đỗ Mạnh Hiến cho rằng, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội TP cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện QCDC các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, tạo kết quả đồng đều ở các loại hình…

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò của của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Quan tâm chỉ đạo thực hiện dân chủ ở một số lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp.

Thời gian qua, UBND TP Hải Phòng đã thực hiện đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, chú trọng thực hiện QCDC gắn với “Năm Dân vận chính quyền”, “Năm Dân vận khéo” theo phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo hướng dân chủ hơn, mở rộng đối tượng lấy ý kiến thông qua đăng tải các dự thảo Quyết định của UBND TP trên Cổng thông tin điện tử TP để nhân dân tham gia trước khi ban hành.

Song song với đó, UBND TP ban hành Quy định về trách nhiệm công khai xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ”, đảm bảo 4 xin “xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn”; Quy định về cam kết không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Đọc thêm