Thôn, tổ dân phố cũng là đơn vị để thực hiện dân chủ?
Theo Tờ trình dự án Luật, Luật này quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.
Thẩm tra dự án Luật, liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật về việc xác định phạm vi “cơ sở” để người dân thực hiện dân chủ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) đề nghị cần xác định thôn, tổ dân phố cũng là đơn vị cơ sở để người dân thực hiện dân chủ. “Tuy thôn, tổ dân phố không phải là một cấp chính quyền cơ sở nhưng đây là thiết chế có tính chất tự quản quan trọng nhất của cộng đồng dân cư, là nơi gần dân nhất, thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhất và có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cho ý kiến tại phiên họp, về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật cần được kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương. Trên tinh thần đó, Chủ tịch QH cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này cần điều chỉnh đầy đủ, toàn diện việc thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm xã, phường, thị trấn, các cộng đồng dân cư ở tổ, thôn, làng bản, ấp; các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Nên áp dụng với cả đơn vị “có tính chất đặc thù”
Về các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật không điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại những cơ quan, đơn vị “có tính chất đặc thù” như QH, HĐND, hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ, chế độ làm việc và phương thức hoạt động khác nhau theo quy định Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của mỗi cơ quan (đối với tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội) nhưng trong nội bộ từng cơ quan, tổ chức đều có bộ máy hành chính, đều diễn ra một số hoạt động quản lý hành chính, tài chính - ngân sách, công tác tổ chức cán bộ cần có sự công khai, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện từ các thành viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị thay vì loại trừ hoàn toàn như tại dự thảo Luật, cần quy định các nguyên tắc chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, căn cứ vào các nguyên tắc của Luật này sẽ quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù tại từng cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính chất đặc thù.
Qua thảo luận, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đề nghị không nên loại trừ việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan, đơn vị việc “có tính chất đặc thù”, ít nhất là phải quy định có tính nguyên tắc chung và các vấn đề chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. “Dân chủ trong Đảng là nòng cốt, căn bản; dân chủ trong cơ quan dân cử cũng là những yếu tố căn cốt để lan tỏa và thực hiện dân chủ ra ngoài xã hội”, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm. Chủ tịch QH cũng đề nghị tính toán, nghiên cứu kỹ, làm rõ căn cứ thực tiễn cũng như lý luận khoa học về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật trước khi đi vào chi tiết, quy định cụ thể.
Về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, Chính phủ còn 2 loại ý kiến khác nhau. Trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của QH tham gia thẩm tra cũng có 2 loại ý kiến. Trong đó, một số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ là Luật này chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng để bảo đảm tương xứng, cân bằng với các loại hình dân chủ ở cơ sở khác, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong đó có thể luật hóa một số nội dung về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (doanh nghiệp) hiện được quy định trong nghị định của Chính phủ.