Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, nhận định các tranh chấp dân sự có xu hướng ngày càng tăng cả về số vụ, tính chất và mức độ phức tạp. ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) cho rằng sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự là rất quan trọng, nhằm đảm bảo pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt hơn.
Về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên ) tán thành với phương án I và cũng là ý kiến đa số của Ủy ban tư pháp. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa sơ thẩm, đối với những vụ án đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất tâm thần. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa phúc thẩm đối với các vụ án mà Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm và những vụ án mà Viện kiểm sát kháng nghị phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đồng ý với phương án VKS tham gia phiên toà, ĐB Vi Thi Hương cũng đề nghị trong tố tụng dân sự vẫn phải giữ vững nguyên tắc là các đương sự có quyền thỏa thuận và định đoạt và đương sự có quyền thỏa thuận, kể cả khi mở phiên tòa xét xử vẫn có quyền tự thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo ĐB tỉnh Điện Biên, “Ở các phiên tòa sơ thẩm, chưa xét xử kiểm sát viên đã có ý kiến đề xuất xét xử là không đúng, chỉ nên có ý kiến đề xuất sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm.”
ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An), ĐB Nguyễn Xuân Thủy – (Phú Thọ ) đề nghị: Để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Hiến pháp thì Viện kiểm sát phải kiểm sát tất cả các hành vi, quyết định của tòa án và những người tham gia tố tụng ở các giai đoạn trước, trong và sau phiên tòa, phiên họp.
“Về nguyên tắc thì Viện kiểm sát nhân dân phải tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự. Nếu Viện kiểm sát nhân dân không tham gia phiên tòa, phiên họp thì sẽ không thể thực hiện tốt được quyền kiểm sát của mình.”ĐB Nguyễn Xuân Thuỷ nói.
Phát biểu trong phiên thảo luận, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) nói rất thẳng thắn: Mặc dù tôi là thành viên Ủy ban tư pháp nhưng tôi không đồng nhất với ý kiến của Ủy ban tư pháp. Vì theo Hiến pháp năm 2013 và Điều 27 của Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014 thì Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia tố tụng về dân sự và kiểm sát khi phát hiện các bản án quyết định của hội đồng xét xử có những sai phạm.
Mặt khác, vai trò, vị trí của Viện kiểm sát trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã được khẳng định qua nhiều lần sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự, nhất là sửa đổi năm 2011 đến nay và Luật tổ chức năm 2014 vừa thông qua.
Do đó, tôi nhất trí giữ nguyên Điều 42 như dự thảo và tôi cũng không nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban tư pháp về vị trí của Viện kiểm sát.”
Cũng liên quan đến vai trò của VKS trong Tố tụng Dân sự, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: “Trong quá trình xét xử hoặc họp giải quyết vụ án thì phạm vi phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát ở phạm vi nào, mức độ nào?”
Quan điểm thứ nhất, theo luật hiện hành thì Viện kiểm sát chỉ phát biểu xung quanh vấn đề kiểm sát hoạt động tư pháp, tức là phát biểu về việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, không phát biểu về nội dung, quan điểm giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Viện kiểm sát được quyền phát biểu toàn bộ nội dung và cả việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo nghĩa rộng, quy định tại Luật tổ chức Viện kiểm sát 2014.
“Bản thân tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, nên giữ nguyên như quy định của luật hiện hành. Vì "việc dân sự cốt ở đôi bên", quyền định đoạt của các đương sự tham gia tố tụng có toàn quyền quyết định trong quá trình tham gia tố tụng, họ tiếp tục, tạm dừng hoặc chấm dứt việc đi kiện. “
Phân tích quá trình lập hiến, lập pháp, ĐB Hà Công Long (Gia Lai) nói nhất trí cao với Điều 42 của dự thảo luật quy định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng.
Về quy định tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu của Kiểm sát viên, ông đưa ra quan điểm: “Tranh chấp dân sự khởi kiện ra tòa chỉ phát sinh khi người dân không tự thỏa thuận định đoạt được với nhau nên họ mới yêu cầu nhà nước phân xử để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Việc giải quyết vụ án là giải quyết nội dung vụ việc mà đương sự yêu cầu theo quy định của pháp luật. Một khi cấp sơ thẩm xét xử đúng pháp luật, không phát sinh kháng cáo, kháng nghị và bản án sớm được thi hành, đáp ứng sự mong đợi của người dân.
Ý kiến phân tích của kiểm sát viên trong giai đoạn sơ thẩm trên cơ sở khách quan, tuân theo quy định của pháp luật sẽ là thông tin để giúp công dân hiểu rõ theo pháp luật thì vụ việc của họ sẽ được giải quyết ra sao.
Theo nhận thức của tôi, nếu thẩm phán và hội thẩm nhân dân lắng nghe được thông tin nhiều chiều trong đó có ý kiến của kiểm sát viên, nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật trước khi nghị án thì nhất định sẽ có quyết định đúng pháp luật, được công dân "tâm phục khẩu phục".” Từ những lý lẽ của mình, ông khẳng định: “Ý kiến phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa phiên họp là hết sức cần thiết giúp cho Hội đồng xét xử ra bản án đúng pháp luật.”./.