Việc bắt người có dấu hiệu “mờ ám, gài người” đó khiến cho hàng ngàn người dân xã Tề Lễ phẫn nộ. Họ đã “giam lỏng” ông Đào Diệu Sơn - Phó Trưởng Công an huyện Tam Nông - tại xã Tề Lễ trong nhiều giờ liền khi ông đến xã “giải trình” chuyện bắt người. Sau đó, hàng ngàn người dân đã yêu cầu ông Chủ tịch xã đi bộ gần 20km lên Công an huyện để đòi người về.
Thỏa thuận dân sự, công an gài bẫy, bắt người, gí súng dọa nạt?
Theo thông tin từ gia đình anh Thức cho biết: Công ty TNHH Sông Vàng hút cát ở địa phận xã Tề Lễ từ năm 2010 và đã làm sạt lở đất của gia đình anh Thức hơn 40m2. Anh Thức yêu cầu ông GĐ Thể bồi thường việc làm sạt lở đất. Ông Thể đồng ý bồi thường cho gia đình anh Thức năm triệu đồng.
Ngày 23/4, Thể gọi điện cho anh Thức bảo ngày hôm sau trả tiền bồi thường. Khoảng trưa 24/4, Thể gọi điện cho Thức ra nhận tiền, anh Thức đi ra chỗ hẹn ở ngã ba Khuân, xã Tề Lễ nhưng không thấy Thể. Thể lại gọi điện cho Thức và khi thấy xe Thể đến, Thể bảo Thức vào trong xe viết giấy biên nhận. Sau khi nhận tiền xong, Thức đi được vài bước thì bị một số người túm lại, vây bắt.
Mẹ Thức đi cùng la lên “sao các anh bắt con tôi” thì một người rút thẻ nói là Công an huyện và rút súng gí vào đầu khiến bà sợ hãi ngã quỵ xuống. Sau đó, Thức được công an áp tải đi ngay. Ngày hôm sau, Công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Công Thức về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Thấy việc bắt người có dấu hiệu mờ ám, gia đình và gần 100 hộ dân gửi đơn khiếu nại đến Huyện ủy, UBND huyện Tam Nông.
Ngày 5/5, Bí thư Huyện ủy Tam Nông đã chỉ đạo các ban ngành của huyện như Công an, VKSND, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Phòng TN&MT… đến UBND xã Tề Lễ làm việc với chính quyền địa phương, giải thích các vấn đề liên quan đến nội dung kiến nghị của gần 100 hộ dân cùng ký đơn yêu cầu thả anh Thức vì bắt người không thông báo, không lập biên bản tại hiện trường mà dẫn sang xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông lập biên bản.
Cách giải thích của các cơ quan huyện Tam Nông không thuyết phục người dân nên họ đòi giải thích rõ ràng. Hàng trăm người trong xã đã bao vây UBND xã, không cho đoàn công tác của huyện rời trụ sở, phải có lực lượng ứng cứu từ công an tỉnh về mới giải vây được.
Riêng ông Đào Diệu Sơn - Phó Trưởng công an huyện Tam Nông - bị hàng trăm người vây giữ, yêu sách đòi Công an huyện trả tự do cho Thức thì mới cho về. Theo người dân cho biết, một số người nhận ra ông Sơn chính là người bắt anh Thức hôm 24/4 nên yêu cầu ông Sơn giải thích về hành vi bắt người.
Đến khoảng 14h30 ngày 6/5, hàng nghìn người dân ở xã Tề Lễ đã yêu cầu Chủ tịch xã Tề Lễ cùng lên UBND huyện Tam Nông đưa yêu sách, đòi trả tự do cho Thức và xử lý các vi phạm của Công ty TNHH Sông Vàng. Người dân cùng với Chủ tịch xã đã đi bộ tới gần 20 km để đến cơ quan công quyền đòi người về.
|
Hai bố con anh Thức trao đổi với PV |
Chiều qua - 7/5, chúng tôi có mặt tại nhà anh Thức thì đã có hàng trăm người dân tập trung đợi anh Thức được Công an huyện Tam Nông cho tại ngoại. Khi anh Thức được chở về nhà, người dân đã vỗ tay reo mừng; mẹ anh Thức khóc nức nở, ôm chặt đứa con trai mình sau hơn 10 ngày bị tạm giữ. Vợ chồng mừng mừng tủi tủi, Thức cười hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ cảm ơn bà con xóm làng.
Vấn đề mà gia đình anh Thức và người dân bức xúc, đó là việc thỏa thuận đền bù giữa Thức và Thể là một thỏa thuận dân sự, không có chuyện tống tiền và cả hai đã có biên bản nhận tiền. Thể đã gọi điện cho Thức bảo ra nhận tiền chứ Thức không có một hành vi đe dọa nào hay gây áp lực với Thể. Không hiểu lý do gì mà Công an huyện Tam Nông lại có mặt ngay lúc đó, bắt giữ khẩn cấp mà không lập biên bản việc bắt giữ tại UBND xã Tề Lễ.
Lạ lùng hơn là Công an huyện lại dẫn Thức sang UBND xã Cổ Tiết để lập biên bản bắt giữ, yêu cầu Trưởng Công xã Tề Lễ ký vào biên bản nhưng ông này từ chối. Người dân đặt câu hỏi, phải chăng việc bắt giữ này là việc “cài bẫy” của ông chủ hút cát và công an huyện Tam Nông đối với anh Thức?
Ông Nguyễn Văn Nhận - bố của anh Thức - cho biết: Sau cuộc họp sáng 7/5 tại Công an huyện Tam Nông, ông đã trực tiếp được gặp và trao đổi với Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ. Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh nói mọi việc như bắt người, dí súng, lập biên bản, việc nhận tiền, khai thác cát của Cty Sông Vàng…sẽ được làm rõ và trả lời dân. Phóng viên đã đăng ký làm việc với Công an huyện Tam Nông nhưng được thông báo là lãnh đạo đi họp hết!
Công ty TNHH Sông Vàng đã làm nát tan sông Bứa
Tại hai xã Tề Lễ và Quang Húc thuộc huyện Tam Nông (Phú Thọ), hai DN được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi là Cty TNHH Trung Thành và Cty TNHH Sông Vàng. Có tới bốn tàu hút cỡ lớn, công suất khai thác khoảng 200m3/ngày và với sản lượng khai thác như vậy, chỉ ba tháng là vượt con số 60.000m3/năm (của cả hai công ty). Tuy nhiên, làm sao giám sát sản lượng khai thác của hai DN nói trên như giấy phép đã cấp, khai thác đúng diện tích như quy định và độ sâu khai thác vượt quá mức hay không, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ!
Trên giấy phép khai thác khoáng sản cho hai đơn vị nói trên, có ghi vị trí cụ thể tọa độ, diện tích, điểm giới hạn… nhưng hai DN trên đã không tuân thủ, không cắm mốc chỉ giới tại các vị trí được khai thác mà tự ý khai thác tràn lan dọc sông, vượt ra ngoài các điểm đã được cấp phép. Điều trớ trêu là cả hai xã Tề Lễ và Quang Húc không được cầm bản đồ quy hoạch hiện trạng, các Cty khai thác đúng vị trí được cấp phép hay không UBND xã đành chịu, không thể biết được. Ông Nguyễn Văn Sâm - cán bộ địa chính xã Tề Lễ - cho biết: “Mới đây Cty TNHH Sông Vàng hút cát tới gần chân cầu, chúng tôi phải đuổi đi vì sợ sụt lún chân cầu”.
Hai DN trên khai thác đến đâu thì thuê địa điểm tập kết cát, sỏi đến đó, khiến một số bến tập kết bị sạt lún nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch xã Quang Húc - cho biết: “Các Cty tự thỏa thuận thuê điểm tập kết cát, sỏi chứ không có quy hoạch nào cả. Hiện nay Cty TNHH Sông Vàng thì thuê địa điểm của Cty CP Tài chính, Cty Trung Thành thì thuê mặt bằng của dân”.
Sau một thời gian ngắn khai thác khoáng sản, nhiều đoạn sông Bứa bị sạt trượt, dầu loang khắp mặt sông, ảnh hưởng tới việc canh tác của nhân dân. Ngày 15/8/2013, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND huyện Tam Nông, xã Tề Lễ xác minh làm rõ các vấn đề liên quan đến khu vực khai thác cát, sỏi gây sạt lở bờ sông của Cty Sông Vàng, nhận định “có hiện tượng sạt lở”.
Thông tin từ Phòng TN&MT huyện Tam Nông cho biết: “Tại phạm vi theo chỉ giới I,II,III,IV có hai khu vực sạt trượt, khu vực I, tại cửa sông xã Quang Húc sạt trượt chiều dài 50m, rộng 5-9m; khu vực II Vực Vồi sạt trượt dài 25m, rộng 5-6m…gây ảnh hưởng đến canh tác của người dân”. Việc sạt lở là đúng sự thực nhưng nguyên nhân sạt lở do đâu thì chưa biết.
Ngày 27/7/2012, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở NN&PTNN cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân sạt lở nhưng tại thời điểm kiểm tra, nước sông Bứa dâng cao nên đoàn không xác định được cụ thể quy mô và nguyên nhân sạt lở. Cả đoạn Sông Bứa chạy qua hai xã Tề Lễ và Quang Húc hai bên bờ nham nhở, lồi lõm, có chỗ hàng chục mét hoa màu của người dân bỗng tụt xuống sông, dầu loang khắp mặt nước, người dân nơi đây lo lắng.