Xin được nhắc lại những nét chính trong vụ việc sai phạm về cổ phần hóa có một không hai này. Là DN thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cty CP Thiết bị giáo dục 1 có tiền thân là Cty Thiết bị giáo dục 1, tiến hành cổ phần hóa vào năm 2007. Nhưng ngay từ quá trình chuẩn bị cổ phần hóa, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về cổ phần hóa khi không thành lập Hội đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp.
Sự việc sau đó diễn tiến ngày càng tồi tệ. Do không xác định giá trị tài sản DN trước khi cổ phần hóa nên tài sản của Nhà nước không thể bàn giao được cho Cty Cổ phần hoạt động, khiến cho DN rơi vào tình trạng triền miên thua lỗ. Sau 4 năm tính từ khi cổ phần hóa, DN đã lỗ hàng chục tỷ đồng. Lúng túng trước thực tế này, năm 2011 bộ chủ quản - với tư cách là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN - đã vội vàng chuyển quyền đại diện này về cho Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục.
Nói là vội vàng bởi lẽ khi ấy mặc dù các cơ quan có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đều có ý kiến khác biệt, thậm chí phản đối việc làm này nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiên quyết thực hiện. Khó hiểu hơn, Bộ này cũng lờ luôn cả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (khi đó) là cần xử lý dứt điểm các tồn tại mới được chuyển quyền sở hữu vốn nhà nước cho NXB Giáo dục nắm giữ.
Những toan tính này ngay lập tức gây ra hệ lụy. Sau khi trao quyền cho NXB Giáo dục thì Cty vẫn tiếp tục kéo dài quá trình thua lỗ. Quan trọng hơn, sau chừng ấy thời gian, đơn vị đại diện cho 51% vốn nhà nước bây giờ là NXB Giáo dục vẫn không hề xúc tiến việc bàn giao tài sản cho Cty hoạt động.
Sự tắc trách này đương nhiên không chỉ khiến cho Cty tiếp tục đi xuống mà trên thực tế còn đẩy nhiều cổ đông tư nhân vào bước đường cùng. Nhiều người trước đây vay mượn để mua cổ phần thì nay đã trắng tay. Và trong tương lai, rất khó có thể hy vọng gì một khi cổ đông nhà nước vẫn chây ỳ như hiện tại. Sự bế tắc đã đi đến đỉnh điểm khi cách đây mấy tháng, một số cổ đông tư nhân đã phải khởi kiện vụ việc ra TAND TP.Hà Nội.
Chúng tôi xin điểm lại vụ việc như vậy để độc giả dễ hình dung về tấn “bi kịch” hiếm có trong lịch sử cổ phần hóa DN nhà nước ở Việt Nam. Nhưng không dừng lại ở đó, bất chấp việc cổ đông tư nhân kêu cứu, bất chấp cả việc bị khởi kiện ra tòa, mới đây NXB Giáo dục vẫn tiếp tục có những quyết định ngược đời đẩy Cty lún sâu vào bế tắc.
Cụ thể là sau khi NXB Giáo dục đề cử ông Mạc Văn Thiện lên nắm quyền Tổng Giám đốc trong năm 2013, vị này cùng Ban Giám đốc đã kinh doanh theo cách thu hồi các mặt bằng như 187 Giảng Võ, 18/30 Tạ Quang Bửu (Hà Nội) mà Cty đang quản lý để đem cho các đơn vị của NXB Giáo dục thuê. Đây chắc hẳn là chuyện tréo ngoe chưa từng thấy, bởi theo một cổ đông Cty thì mặc dù người lao động yêu cầu ban lãnh đạo tạo điều kiện hoạt động bằng cách bố trí diện tích bán hàng nhưng ông Mạc Văn Thiện trả lời là không cần bán hàng, cứ ngồi chơi vẫn có lương đầy đủ!?.
Không chỉ có vậy, Cty còn cho thuê nhà xưởng sai mục đích tại cơ sở ở 62 Phan Đình Giót (Hà Nội). Đây là việc làm mà trước đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã lập biên bản xử lý, và Tổng Giám đốc khi ấy là bà Hoàng Thị Kim Loan đã nỗ lực giải quyết bằng cách thanh lý các hợp đồng do các lãnh đạo đời trước ký kết, cũng như đã phải cam kết là sẽ không tái phạm.
Có lẽ chỉ với vài việc như vậy đã có thể mường tượng vì sao đại đa số cổ đông tư nhân thực sự tuyệt vọng khi nói đến tương lai của Cty. Và cũng không quá lời khi một cổ đông cho rằng, nếu cứ tiếp tục trông đợi vào cổ đông chính hiện tại là NXB Giáo dục thì việc DN phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu: “Kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo DN chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý điều hành DN”. Với quyết tâm này, không biết những người đang chịu trách nhiệm về kết quả cổ phần hóa Cty CP Thiết bị giáo dục 1 có cảm thấy giật mình?.