Bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn các trường hợp bắt người qua cuộc trò chuyện với Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam):
Thưa ông, thế nào là bắt người?
“Bắt người” là biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), bao gồm bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.
Các trường hợp bắt người cụ thể?
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử để tạm giam phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là bắt người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc sau khi thực hiện tội phạm người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt;
Bắt người phạm tội đang bị truy nã là bắt người phạm tội đang lẩn trốn nếu đã có lệnh truy nã của cơ quan điều tra.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp tuy là bị can, bị cáo nhưng không bị bắt để tạm giam?
Không phải mọi bị can, bị cáo đều có thể bị bắt tạm giam mà chỉ bị can, bị cáo được quy định tại Điều 88 BLTTHS mới có thể bị bắt để tạm giam. Cụ thể:
- Phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù.
Phạm các tội mà BLHS quy định hình phạt từ trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
- Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cứ trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Những trường hợp bắt người nào buộc phải có lệnh bắt?
Trong các trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
Bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam thủ tục có khác nhau?
Thủ tục đều như nhau: Có lệnh bắt; Người thi hành lệnh phải đọc và giải thích, lập biên bản. Phải có đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc và người láng giềng chứng kiến.
Một số điểm khác: Lệnh bắt khẩn cấp không cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát trước khi thi hành; sau khi đã bắt người, người ra lệnh bắt mới báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người ra lệnh bắt phải trả tự ho ngay cho người bị bắt. Việc bắt người khẩn cấp được tiến hành vào bất kỳ lúc nào, không kể ban ngày hay bên đêm.
Người dân có quyền bắt người trong trường hợp nào?
Với nguời phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Khi bắt, người dân có quyền tước vũ khí, hung khí, giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.
Còn tạm giữ, được áp dụng trong trường hợp nào?
Tạm giữ bao gồm cả theo thủ tục tố tụng hình sự và theo thủ tục hành chính.
Tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người bị bắt trốn việc điều tra, xác minh, và để quyết định việc khởi tố bị can, tạm giam hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Tạm giữ theo thủ tục hành chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính do người có thẩm quyền áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác .
Phân biệt hai trường hợp tạm giữ như thế nào?
Người bị tạm giữ theo thủ tục TTHS là những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Người tạm giữ theo thủ tục hành chính là những người vi phạm hành chính. Thẩm quyền tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự hạn chế hơn thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính không phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Người bị tạm giữ hình sự bị tạm giữ ở nhà tạm giữ, hoặc buồng tạm giữ của trại tạm giam. Còn người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính thì không.
Điều quan trọng nhất, thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự là ba ngày và có thể gia hạn hai lần mỗi lần không quá ba ngày. Còn thời hạn tạm giữ hành chính là 12 giờ và có thể kéo dài đến 24 giờ; đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Việc gia hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính không cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Còn việc kéo dài thời tạm giữ theo thủ tục hành chính thì không.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!