Dân kêu trời vì mùi rác thải

Hơn nửa năm nay, nhiều hộ dân sống trên đường Phạm Cự Lượng, phíaTtây chợ Nam Sông Hà Thanh (thuộc tổ 21, KV 4, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, Bình Định) phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc bốc lên từ bãi tập kết rác thải tại chợ.

Hơn nửa năm nay, nhiều hộ dân sống trên đường Phạm Cự Lượng, phíaTtây chợ Nam Sông Hà Thanh (thuộc tổ 21, KV 4, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, Bình Định) phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc bốc lên từ bãi tập kết rác thải tại chợ. Các hộ dân đã  nhiều lần  kêu cứu đến người có trách nhiệm nhưng tới nay tình trạng này vẫn không có gì thay đổi.

Chợ Nam Sông Hà Thanh được xây dựng khá khang trang với diện tích khoảng 1.250 m2. Đầu năm 2010, chợ chính thức đi vào hoạt động, hiện có khoảng 180 tiểu thương đang buôn bán tại đây. Hàng ngày, sau khi tan chợ (khoảng hơn 6 giờ chiều-PV), đội ngũ làm công tác vệ sinh tiến hành thu gom rác thải về tập kết tại phía bắc chợ. Khoảng hơn 4 giờ sáng hôm sau, xe chở rác của Công ty TNHH Môi trường Đô thị Quy Nhơn sẽ tới chở đi.

b
Rác tập kết ở bên ngoài nhà chứa, phủ kín bạt nhưng vẫn bốc mùi hôi.

Thế nhưng, việc tập kết rác thải tại chợ khiến nhiều hộ dân (nhất là các hộ có nhà đối diện với khu tập kết rác-NV) kêu trời vì mùi hôi thối bốc lên từ đây. Anh Phạm Văn Toàn (nhà ở lô 30 đường Phạm Cự Lượng, tổ 21, KV 4, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn) cho biết: Điểm tập kết rác ở đối diện với khu dân cư, lại không bốc chuyển kịp thời, sau khi dọn dẹp rác lại không phun nước sạch sẽ khiến người dân phải thường xuyên hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày. Anh Toàn cho biết thêm: “Cách chỗ tập kết rác này khoảng 200 mét về hướng Đông có một khu đất trống khá rộng, không hiểu sao họ không chuyển rác tới đó mà lại để sát bên hông chợ, đối diện với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến người dân lẫn những người buôn bán”.

Còn anh Hồ Minh Đức (ở lô 26 đường Phạm Cự Lượng, tổ 21, KV 4, phường Đống Đa) có chung. Việc để rác thải ngay bên hông chợ, đối diện với khu dân cư là không hợp lý. Vào những đêm trời nóng, mùi hôi tanh bốc lên từ các sọt chứa chất thải của cá, tôm khiến không khí trở nên ngột ngạt, chúng tôi không sao ngủ được.

Không chỉ các hộ dân kêu trời, nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ Nam Sông Hà Thanh cũng không đồng tình với cách bố trí bãi tập kết rác này. Một người bán bún cạnh khu tập kết rác cho biết: Rác thải để ngay bên hông chợ, sát với các gian hàng nên ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán của chúng tôi. Mỗi buổi sáng, tôi phải mất rất nhiều thời gian để quét dọn, lau rửa lại cho bớt mùi hôi rồi mới dọn hàng ra bán. Theo các tiểu thương, Ban quản lý chợ nên dời bãi tập kết rác ra xa khu vực buôn bán của chợ, không nên để mùi hôi thối từ rác thải ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Theo ông Văn Kỳ Ái, phụ trách tạm thời chợ Nam Sông Hà Thanh: Việc tập kết rác như hiện nay là đúng với quy hoạch ban đầu khi xây dựng chợ. Bởi chợ đã xây dựng nhà chứa rác thì không lý gì không để rác vào đó. Theo quan sát của chúng tôi, cái mà ông Ái gọi là nhà chứa rác chỉ là một ô nhỏ, hình hộp chữ nhật, rộng chừng 6 m2, có một cửa duy nhất để “tống” mọi thứ rác thải vào trong đó và được xây dính liền vào chợ (nằm ở phía tây chợ-PV).

b
Nhà chứa rác nhưng thực chất chỉ là một ô nhỏ, không thể chứa hết rác thải của chợ.

Rõ ràng, với thiết kế như vậy, đây không thể gọi là nhà chứa rác được. Và việc nhà chứa rác không chứa hết lượng rác thải của chợ, buộc phải để rác ở bên ngoài, gây ảnh hưởng đến người dân cũng là điều dễ hiểu. Ông Ái cho biết: Trung bình mỗi ngày chợ thải ra khoảng 15 sọt rác. Riêng các ngày 14, 15, 30 và mùng 1 (âm lịch), rác nhiều hơn do những ngày này lượng hàng hóa bán tại chợ tăng. Tuy số lượng rác không nhiều nhưng do diện tích nhà chứa rác nhỏ nên không thể chứa hết.

Do đó, chúng tôi phải tập kết rác ở cả bên ngoài ngay cạnh nhà chứa. Các loại tập kết bên ngoài chủ yếu là rác thải từ rau, quả. Hiện chúng tôi đang kiến nghị cho mở rộng nhà chứa để phù hợp hơn với lượng rác thải ra mỗi ngày tại chợ. Ông Ái giải thích thêm về khu đất trống ở phía đông của chợ. Theo đó, khu đất thuộc đất dự án, trước kia dùng để xây chợ tạm. Hiện đã trả lại cho dự án, chợ không có thẩm quyền tại khu đất nên không thể để rác thải tại đó.

Việc các cơ quan  hữu quan lúng túng trong xử lý rác thải, khiến người dân nơi đây lĩnh đủ.

Văn Lực

 

Đọc thêm