Dân khổ vì đường…dở

Quốc lộ 25, tuyến đường nối liền từ tỉnh Gia Lai đến tỉnh Phú Yên đã được nhà  nước đầu tư nâng cấp năm 2008 . Thế nhưng đã hơn 4 năm thi công, đến nay tuyến đường này vẫn còn dang dở...

Quốc lộ 25, tuyến đường nối liền từ tỉnh Gia Lai đến tỉnh Phú Yên đã được nhà nước đầu tư nâng cấp năm 2008 . Thế nhưng đã hơn 4 năm thi công, đến nay tuyến đường này vẫn còn dang dở...

Hơn 20km đường được giao thầu cho rất nhiều Cty cầu đường, 5 năm qua vẫn nằm im

Hàng ngày phương tiện vận tải đi lại khá đông đã khiến cho mặt đường bị cày xới nát tung, mặt đường nham nhở đất đá, ổ trâu ổ gà. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại mà còn thường xuyên gây ra những vụ tai nạn giao thông  thương tâm.  

Anh Lê Văn Trường ở thôn Cầu Đôi, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, là người dân có nhà bám theo mặt đường đã phải nhiều lần trực tiếp tham gia sơ cứu và đưa hàng chục nạn nhân bị tai nạn trên tuyến đường này tới trạm xá địa phương, bức xúc:  “Nhà cửa lúc nào cũng phải đóng vì từng lớp bụi trắng bao trùm. Mỗi lần vợ con em đi buôn bán  mà chở hàng về gặp xe đi qua là phải đứng lại chứ không dám chạy, chạy là sẽ bị tai nạn vì bụi  quá nhiều. Người dân mong muốn Nhà nước làm con đường nào thì xong con đường đó để cho người dân đi lại, vừa an toàn giao thông vừa giúp cho những người ở dọc con đường này đỡ bị bệnh tật vì bụi bặm.”

Gia đình ông Ksor Bớ ở buôn H’Rốc, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, nằm ngay cạnh mặt đường quốc lộ 25, cho biết: Đây là tuyến đường khó khăn nhất của huyện Krông Pa nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Năm 2008 được Nhà nước đầu tư nấng cấp tuyến đường này, gia đình ông rất phấn khởi vì đi lại thuận tiện hơn nhiều, đặc biệt là đối với trẻ em mỗi khi đi học.

Thế nhưng hơn 4 năm qua, việc thi công vẫn dang dở, đường sá thì trở nên gồ ghề, mặt đường nham nhở sống trâu, ổ voi, hai bên hành lang bị đào bới, xẻ rãnh thoát nước tứ tung càng làm cho việc đi lại và phát triển kinh tế của người dân trở nên khó khăn hơn.

Ông Ksor Bớ cho biết: “Con đường này làm dang dở khiến cho đời sống của những người sống dọc đường như nhà mình khổ vì bụi và dễ bị tai nạn... Trẻ em thì không đi học thường xuyên được. Giờ để đảm bảo cho đời sống, sức khỏa và an toàn giao thông cho người dân, mình đề nghị với Nhà nước, với Quốc hội sớm hoàn thành thi công con đường này, để trẻ em đi học được an toàn, người dân chúng mình đi làm nương, làm rẫy cũng an toàn”.

Đường nham nhở, bụi mù gây tai nạn liên tục.

Quốc lộ 25, đoạn đường chạy qua huyện Krông Pa có chiều dài 45 km do Ban quản lý 6 Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1, Ban quản lý đã thi công xong khoảng 8km từ chân đèo Tô Na đến địa điểm đầu xã Ia Rsiơm, huyện Krông Pa nhưng đây lại là đoạn đường núi nên không có dân cư sinh sống. Giai đoạn 2, 3 sẽ thi công từ đầu xã Ia Rsiơm đến hết cầu Kà Núi, địa điểm giáp danh với huyện Xuân Hòa, tỉnh Phú Yên dài hơn 36 km.

Được xác định là tuyến đường huyết mạch, mang yếu tố chiến lược về quốc phòng và kinh tế của của vùng Tây Nguyên nên chính quyền và nhân dân hết sức đồng tình triển khai các thủ tục giải phóng, đền bù, giải tỏa lộ giới, tạo điều kiện cho việc thi công nhanh hơn. Những việc thuộc về trách nhiệm của mình thì địa phương đã làm xong, riêng việc thi công vẫn dậm chân tại chỗ. Quá bức xúc, chính quyền và người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Tô Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa- cho biết: “Đây là một tuyến quốc lộ nối liền giữa hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên, là tuyến huyết mạch để giao lưu hàng hóa giữa Tây Nguyên với đồng bằng, đảm bảo điều kiện đi lại của dân sinh, phát triển kinh tế mà Bộ đã tạm dừng là không nên.

Đảng Bộ và nhân dân huyện Krông Pa hy vọng Bộ GTVT sẽ tiếp tục đầu tư sớm, hoàn chỉnh tuyến quốc lộ này để đảm bảo cho người dân có đời sống dân sinh, đi lại giao lưu hàng hóa được thuận lợi, để phát triển kinh tế xã hội của huyện ,tỉnh  và cả vùng Tây Nguyên. Chính quyền và nhân dân huyện Kông Pa tha thiết đề nghị Nhà nước sớm tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tuyến đường này để đảm bảo an toàn sinh mạng và đời sống của nhân dân”.

Ngọc Anh

Đọc thêm