Dân sống tạm bợ do cán bộ tắc trách

Không ít gia đình bị sập nhà đợt lũ tháng 11/2009 tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đang sống tạm bợ vì sự thiếu trách nhiệm của  một số cán bộ, ban ngành địa phương

Trong đợt lũ đầu tháng 11/2009, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có 875 nhà dân bị sập với mức độ thiệt hại từ 70% đến 100%. Đến nay, phần lớn cuộc sống người dân đã đi vào ổn định, nhưng cũng còn không ít gia đình sống tạm bợ vì sự thiếu trách nhiệm của  một số cán bộ, ban ngành địa phương.

Dân sông tạm bợ, cán bộ thờ ơ

Theo tìm hiểu, sau thiên tai, hầu hết những hộ dân trên đã được tỉnh Phú Yên cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa. Tuy nhiên, đến nay, qua 8 tháng, toàn huyện vẫn còn 93 hộ chưa được cấp kinh phí hỗ trợ với lý do là xây nhà trên đất trái phép như: đất hoang, lấn chiếm bờ đê, đất 5%, đất vườn ...

Chỉ riêng tại xã An Ninh Tây có 39 hộ chưa được giải quyết. Trong đó có 12 hộ có đất cũ nằm trong khu dân cư, nay xin xây cất lại, sau đó sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. 27 hộ còn lại được UBND xã mời lên sau Tết Canh Dần để thống nhất di chuyển vào 3 khu tái định cư ở các thôn Hội Phú, Xuân Phu và Tiên Châu với diện tích khoảng 7.200 m2. Vậy nhưng, từ đó đến nay qui trình thực hiện các thủ tục để hình thành các khu tái định cư này còn nằm trên giấy và người dân vẫn sống trong những căn lều tạm bợ hoặc những phần còn lại của ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Lý giải sự chậm trễ này, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây ông Nguyễn Văn Ninh nêu: “Cán bộ địa chính xã phụ trách chuyên môn đi học..... Đến đầu tháng 6/2010 thủ tục được gửi lên huyện và đang chờ huyện ”.

Trong khi đó, ngày 28/6/2010, trao đổi với người viết về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An - bà Phạm Thị Thuỳ Lê khẳng định “Trường hợp ở xã An Ninh Tây đến nay chưa thấy xã trình lên, trách nhiệm này là do xã”. Theo bà Lê: “Mới tuần trước tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chúng tôi không thấy phản ảnh gì; hơn nữa mỗi tháng họp giao ban một lần cũng không thấy xã đặt vấn đề này”.

Vậy nhưng, khi chúng tôi phản ảnh việc UBND xã đã làm tờ trình lên huyện từ ngày 3/6/2010, bà Lê mới cho mời Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện - ông Hoàng Ngọc Mùi đến và ông Mùi xác nhận là xã đã gửi tờ trình lên từ đầu tháng 6/2010. Bà Lê đề nghị đem tờ trình lên xem, thì ông Phó phòng báo cáo: Người giữ tờ trình đang đi nuôi vợ đẻ…

Có lẽ, không cần bàn luận gì thêm với kiểu làm việc tắc trách nếu không nói là vô trách nhiệm của cán bộ huyện Tuy An từ cấp xã đến huyện. Trong lúc hàng ngày người dân vùng lũ đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thì những cán bộ lại đùn đẩy trách nhiệm với nhau.

Người dân Phú Yên thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử

Dân không hiểu luật, lỗi thuộc về chính quyền

Trở lại với những ngôi nhà được huyện cho là xây dựng trái phép nên không được hỗ trợ, một trong số đó là nhà gia đình ông Nguyễn Văn Thanh và bà Thiều Thị Chiền ở đội 1, thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây.

Ngôi nhà này đã hai lần bị sập do nằm gần đập Tam Giang. Gần đây nhất là vào đêm 2/11/2009 khi lũ bất ngờ tràn về cả nhà cửa, tài sản đều bị cuốn trôi. Từ đó đến nay cả gia đình ông Thanh với bốn người phải che tấm bạt ở tạm và mong sự hỗ trợ của Nhà nước. Sau khi lũ rút, gia đình ông Thanh được cấp một phiếu hỗ trợ xây dựng lại nhà trị giá 12 triệu đồng do Chủ tịch UBMTTQVN xã An Ninh Tây - ông Phan Hà Thanh ký, nhưng sau đó UBND xã mời lên thu lại. “Khi mời tôi đến, bà Thơm là cán bộ xã nói là để đổi lại phiếu khác, chứ chữ ký của ông chủ tịch mặt trận không có giá trị, nhưng khi thu lại rồi cho đến nay họ im luôn”, bà Chiền nói. Gia đình ông Thanh đã gửi đơn kiến nghị và được Thanh tra huyện trả lời là nhà xây dựng trái phép trên đất vườn nên không được hỗ trợ.

Ông Thanh bức xúc nói: “Tôi cất nhà từ năm 1993, đến 2007 nước lũ ăn sâu vào làm sập nhà, sau đó gia đình dành dụm vay mượn thêm xây dựng lại kiên cố hơn với trên 100 triệu đồng. Lúc ấy, nhà sập phải cất lại nhưng không thấy ai nói gì. Tuy nhà chưa có sổ đỏ nhưng vì tôi cất trên đất thừa kế của cha mẹ, lâu nay đâu có ai tranh chấp, sao gọi là trái phép”.

“Cách đây bốn, năm tháng mấy ông xã có mời lên thông báo là ở đây nguy hiểm không thể xây lại nhà trên đất cũ, phải chuyển đến khu tái định cư, nhưng phải mua đất với giá từ 100-300 ngàn đồng/m 2 . Gia đình tôi cũng chấp nhận, khổ thì cũng phải vay mượn để đi nơi khác chứ không lụt nữa chắc chết. Nhưng từ đó đến nay có thấy gì đâu, mong sao Nhà nước xem lại để giúp đỡ sớm cho chúng tôi nhờ”.Ông Thanh nói thêm.

Ý kiến của ông Thanh đồng nghĩa với cái tội là người dân không hiểu hết pháp luật. Còn chính quyền xã thì thờ ơ, không giúp dân và tạo điều kiện để họ có nơi ở hợp pháp. Đến khi thiên tai xảy ra, nhà cửa, tài sản mất hết thì chính quyền đổ tội là xây dựng trên đất trái phép nên không hỗ trợ. Thử hỏi, người dân xây nhà chưa hợp pháp hay cán bộ cho mình cái quyền phán xét là xây nhà trái phép mà không chịu tìm hiểu cội nguồn đất đai của họ ?

Thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần sớm chỉ đạo kiểm tra và xử lý những bất cập để người dân vùng lũ huyện Tuy An có nơi ở ổn định trước mùa lũ năm nay đang cận kề./.

Thế Lập

Đọc thêm