Dân thở phào vì dừng thực hiện Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

(PLO) - Chiều qua (10/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận. 
(Ảnh từ internet)
(Ảnh từ internet)

Chủ trương đầu tư dự án NMĐHN Ninh Thuận đã được Quốc hội khoá 12 thông qua vào cuối năm 2009. Dự án NMĐHN Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000MW. NMĐHN Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Đây là một dự án được dư luận, các nhà khoa học quan tâm đặc biệt. 

Một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội cho biết, cơ quan thẩm tra đồng ý với đề xuất dừng thực hiện dự án NMĐHN Ninh Thuận.  Có nhiều nguyên nhân. NMĐHN Ninh Thuận tổng mức đầu tư quá cao, tăng gần gấp đôi dự kiến ban đầu mà Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết 41. Theo đó, tính khả thi của dự án không còn nữa. Giá điện dự kiến ngày xưa chỉ có 4 cent- 4,5 cent/kWh nhưng giờ theo tính toán mới thì giá thành điện sản xuất ra sẽ tới gần 8 cent/kmh. Mà đây là mình còn chưa tính toán hết các yếu tố như trần giá điện sẽ trội lên thêm. “Bài toán kinh tế” phải được đặt lên hàng đầu. Trong thời kỳ nợ công đã báo động như hiện nay không thể tiếp tục đầu tư như kiểu “vãi thóc cho gà rừng”.

Vấn đề môi trường, điều mà giới khoa học đã phản biện cho thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Sau vụ Formosa, chúng ta sáng mắt ra về yếu tố an toàn. Không thể đùa giỡn với môi trường, dù chúng ta có rất nhiều nghị quyết, luật và tham gia nhiều công ước quốc tế về vấn đề này. Đấy là chưa nói đến yếu tố “địa chính trị” của dự án. Điều không thể phớt lờ.

Không thể tiếp tục đầu tư “bằng mọi giá”, chạy đua như một “hội chứng” của 63 tỉnh, thành phố không có ai làm trọng tài và không kết nối. Ngay cả FDI cũng đã bước sang giai đoạn mới đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng mục tiêu cần thu hút đầu tư, môi trường phải đặt lên hàng đầu. 

“Thời gian tới Việt Nam sẽ chú trọng hơn vào đầu tư đi cùng với phát triển bền vững về môi trường nhưng không phải thu hút bằng mọi giá”, điều này đã được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tái khẳng định tại Hội nghị kinh tế đối ngoại 2016 – Vietnam Summit diễn ra ở TP HCM ngày 3/11 vừa qua.

Chúng ta đau xót khi chứng kiến môi trường vẫn từng ngày, từng giờ bị chính các hoạt động sản xuất và sinh hoạt làm cho ô nhiễm nghiêm trọng hơn, sự phát triển bền vững vẫn đứng trước những thách thức lớn lao. Điều này đòi hỏi mọi người, mọi nhà, mọi địa phương trong cả nước phải thường xuyên cùng nhau nỗ lực giải quyết. Có như vậy chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai với môi trường sống ngày càng trong lành hơn.

Chúng ta hoan nghênh một quyết định cần thiết.

Đọc thêm