Dàn trải, manh mún

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thưa, đó là “căn bệnh” trong đầu tư những ba mươi năm trước, nhưng đến nay vẫn còn. Một thời vốn đầu tư thì hạn chế, “con đông” - ít nhất là 63 tỉnh, thành phố; lĩnh vực nào cũng cần... nên phải “cấu véo” mỗi nơi một ít. Đấy là chưa nói đến “hội chứng” xi măng, mía đường, cảng biển, sân bay... chỉ nhìn vào nguồn ngân sách.

Nhiều dự án, cầu, cảng xong phải “đắp chiếu” chờ nguồn làm đường. Hậu quả, như chúng ta từng biết. Lãng phí nguồn lực, ngay con số “tính sổ” vào GDP cũng không ít phần trăm ảo, do công trình chậm được khai thác, sử dụng.

Mới đây (chiều 13/2), tại Hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về kết quả thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý: “Các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, gây rủi ro về công tác cán bộ”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về kết quả thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về kết quả thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Đáng lưu ý là “hành lang pháp lý” tiếp tục được “điểm mặt, chỉ tên”. Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, về xây dựng hành lang pháp lý, để thực hiện các chương trình, các địa phương trong vùng phải ban hành văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền đối với 11 nội dung, trong đó có 6 nội dung bắt buộc, 5 nội dung các địa phương ban hành tùy theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống khung chính sách vẫn chưa hoàn thiện, còn tâm lý e ngại rủi ro và đợi chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên nên công tác giải ngân vẫn còn hạn chế.

Do “vướng mắc” hướng dẫn, trình tự, thủ tục tiếp tục “nhiêu khê” và năng lực cán bộ, nên tình hình chung là nhiều địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển vốn sự nghiệp của địa phương chưa giải ngân năm 2022 sang năm 2023; thông báo mức vốn sự nghiệp hoặc giao dự toán thực hiện các chương trình theo giai đoạn để các địa phương chủ động hơn trong tổ chức thực hiện… “Tiêu” không hết, hoặc không biết “tiêu” nên xin “chuyển” từ năm trước sang năm sau.

Như vậy, câu chuyện hiệu quả của nguồn vốn, làm cho “tiền” sinh ra “tiền” vẫn là sự loay hoay.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu dứt khoát các cơ quan Trung ương phải khẩn trương hoàn tất việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại trong quý I/2023; tiếp tục rà soát lại các văn bản đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Đồng thời, ông cũng yêu cầu tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư.

Cần phải nhắc lại, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT (ngày 4/1/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu đầu tư "ra tấm ra món, không manh mún". Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng đang là nhiệm vụ rất quan trọng. Để thúc đẩy tăng trưởng, không thể xem nhẹ phân bổ nguồn lực Nhà nước hiệu quả, đoạn tuyệt với dàn trải, manh mún.

Đọc thêm