Dân xem thường pháp luật, chính quyền “bó tay”

Ngôi nhà tọa lạc tại thôn Tân Sa, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đang bị con cháu trong dòng tộc tranh chấp nhưng ông Trần Văn Phương (trú tại TP. Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc) vẫn cho tháo dỡ, xây mới. Chính quyền địa phương đã 3 lần lập biên bản đình chỉ nhưng ông Phương vẫn bất chấp tiếp tục xây dựng, trong khi lãnh đạo xã cho rằng: “Việc làm này ngoài tầm tay của chính quyền địa phương”.

Ngôi nhà tọa lạc tại thôn Tân Sa, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đang bị con cháu trong dòng tộc tranh chấp nhưng ông Trần Văn Phương (trú tại TP. Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc) vẫn cho tháo dỡ, xây mới. Chính quyền địa phương đã 3 lần lập biên bản đình chỉ nhưng ông Phương vẫn bất chấp tiếp tục xây dựng, trong khi lãnh đạo xã cho rằng: “Việc làm này ngoài tầm tay của chính quyền địa phương”.

Căn nhà này dù đang tranh chấp nhưng ông Phương vẫn ngang nhiên tháo dỡ, xây mới

Ông Trần Thăng (62 tuổi), cán bộ hưu trí quê ở xã Vinh Xuân, trú tại phường Phú Bài (TX. Hương Thủy, TT- Huế) trình bày: Trước đây, ông bà nội của ông tạo lập nhà đất rộng 460m2, có trích lục vào năm 1963, đứng tên là Trần Bơi, số hiệu thửa đất 648. Sau khi ông bà nội mất, chú ruột ông Thăng là ông Trần Bậu và vợ Tô Thị Cháu được ở để thờ cúng.

Thời gian sau, ông Trần Bậu chết, bà Tô Thị Cháu tiếp tục ở ngôi nhà này cho đến khi chết năm 1992. Sau đó, ông Trần Văn Phương, con trai bà Cháu tiếp tục quản lý, sử dụng. Trước đó, năm 1986 bà Cháu đứng tên kê khai, thửa đất số 157, tờ bản đồ 95, diện tích 460m2, tọa lạc tại thôn Tân Sa (xã Vinh Xuân). Theo ông Thăng, ông bà nội ông có 5 người con, trong đó 4 người đã chết. Di sản của ông bà nội là tài sản chung của các đồng thừa kế.  Bà Tô Thị Cháu chỉ ở tại ngôi nhà này, chứ không có quyền quản lý sử dụng và định đoạt tài sản.

Trong hai lần hòa giải tại xã Vinh Xuân, ông Trần Văn Phương, chủ công trình đang xây dựng trên thửa đất 157 đều thừa nhận, lô đất này là của ông bà nội để lại. “Tất cả con cháu trong dòng tộc không có ý định chia di sản chung của ông bà nội và nguyện vọng của con cháu chúng tôi phải bảo vệ nhà và đất để duy trì việc thờ tự ông bà nội”- ông Thăng khẳng định. Theo ông Thăng, thời gian qua, ông Trần Văn Phương muốn chiếm nhà và đất này để làm tài sản riêng. Vì vậy, ông Thăng đã có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng.

Sau khi tiếp nhận đơn của ông Thăng, UBND huyện Phú Vang hướng dẫn các bên gửi đơn đến tòa án, còn tòa án thì cho rằng việc này thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương giải quyết. Trong khi các ngành chức năng đang “đá” trách nhiệm thì ông Trần Văn Phương phá dỡ nhà thờ của ông bà nội để xây nhà mới.

UBND xã Vinh Xuân đã 3 lần lập biên bản đình chỉ thi công, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên ông Phương vẫn coi thường pháp luật, tiếp tục cho thợ đập nhà để xây  mới. Ông Trần Văn Đê- Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết, trước khi có biên bản đình chỉ công trình xây dựng của ông Phương, xã đã 2 lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Lý giải về việc, ông Phương bất chấp pháp luật dù chính quyền 3 lần lập biên bản đình chỉ, ông Đê cho rằng, xã chỉ tổ chức hòa giải và lập biên bản đình chỉ, còn cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép thì ngoài thẩm quyền của xã. “Nếu nói về xử phạt hành chính đối với ông Phương là rất khó vì ông này không có hộ khẩu ở xã”. Xã báo cáo lên huyện hơn 1 tháng nay nhưng huyện vẫn không có biện pháp xử lý”.

Luật sư Nguyễn Văn Phước - Trưởng Văn phòng Luật sư Huế, cho rằng, công trình này đã bị UBND xã Vinh Xuân 3 lần đình chỉ thi công nhưng ông Phương vẫn cố tình xây dựng thì ông Phương sẽ bị xử phạt từ 300 ngàn đồng đến 500 triệu đồng, đồng thời bị cưỡng chế tháo dở công trình xây dựng, phải khôi phục tình trạng ban đầu. Chủ tịch xã phải có trách nhiệm tổ chức huy động lực lượng đúng thẩm quyền để thực hiện cưỡng chế, phá dở công trình xây dựng trái pháp luật này. Trong trường hợp chính quyền xã không thể cưỡng chế thì phải chuyển vụ việc lên cấp trên xử lý để chấm dứt tình trạng thách  thức pháp luật.

Quang Tám

Đọc thêm