Để chuẩn bị cho chuyến tàu lịch sử này, Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) đã có thời gian chuẩn bị hàng chục năm, ngốn hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng kho chứa – công trình mà như ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc PV GAS chia sẻ là khó khăn, phức tạp như xây dựng nhà máy hạt nhân.
Theo vị Tổng giám đốc PV GAS, nếu như trên thế giới, việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng khí LNG đã có từ mấy chục năm nay, thì tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên. Do đó, đối tác nước ngoài đưa ra những yêu cầu vô cùng khắt khe, nhất là yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kho chứa, mức độ an toàn. “Việc xây dựng kho chứa rất phức tạp, cần những công nghệ rất tiên tiến, đại nhất, đội ngũ kỹ sư phải cực kỳ lành nghề. Để dễ hình dung, có thể nói rằng việc xây dựng kho chứa khí LNG phức tạp không khác gì xây dựng nhà máy hạt nhân”,Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong nói và khẳng định tự hào, PV GAS đã phối hợp với đối tác nước ngoài xây dựng xong kho chứa LNG Thị Vải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, được đối tác nước ngoài đánh giá rất cao.
PV GAS thông tin về sự kiện "tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam |
Hiện nay, PV GAS là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG. Công trình Kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS chú trọng đầu tư xây dựng từ những năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000 m3.
Theo Tổng giám đốc PV GAS, ngày mai 10/7/2023, đơn vị này sẽ tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng Thị Vải. Tàu Maran Gas Achilles (Hy Lạp) mang trên mình gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam. “Đây là sự kiện lịch sử không chỉ của ngành dầu khí mà là sự kiện lịch sử của ngành năng lượng Việt Nam”, Tổng giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng giám đốc Phạm Văn Phong, sự kiện này không chỉ đơn thuần phục vụ cho chiến lược sản xuất kinh doanh của PV GAS, mà còn mang nguồn năng lượng mới góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. PV GAS đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tập đoàn năng lượng quốc tế Shell – một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới, đã được PV GAS lựa chọn làm nhà cung cấp cho chuyến hàng đặc biệt này.
Xây dựng kho chứa LNG cần công nghệ phức tạp không khác gì xây dựng nhà máy hạt nhân |
Theo ông Trần Nhật Huy - Phó Tổng Giám đốc PV Gas, Chỉ huy trưởng phụ trách chiến dịch đón nhận tàu, các lực lượng như cảng vụ hàng hải, biên phòng, hoa tiêu, hải quan cũng tham gia vào chiến dịch đón tàu nhiên liệu lịch sử này. Toàn bộ quá trình dịch chuyển từ giữa luồng hàng hải vào đến cảng sẽ được thực hiện bởi 4 tàu hộ tống lai dắt.
Nhằm phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam, mới đây Tổng giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong cũng đã làm việc với các tập đoàn dầu khí lớn của thế giới như Novatek (Nga) và ExxonMobil (Hoa Kỳ). “Việc mở rộng các quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư trong lĩnh vực với các đối tác hàng đầu thế giới trong ngành năng lượng như ExxonMobil và Novatek là then chốt cho sự phát triển của PV GAS nói riêng và ngành công nghiệp khí Việt Nam nói chung”, PV GAS thông tin.
Tổng Giám đốc Phạm Văn Phong chủ trì làm việc với hai tập đoàn dầu khí lớn đến từ Hoa Kỳ và Nga |
Mới đây chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong cho biết, việc nhập khẩu khí LNG về Việt Nam là một quá trình khó khăn, việc kinh doanh loại khí này ở Việt Nam thế nào cho hiệu quả khó khăn cũng không kém. LNG là loại năng lượng mới, cần điều chỉnh một số cơ chế, chính sách, quy định để việc nhập khẩu, tàng trữ, kinh doanh loại khí thân thiện với môi trường này được thuận lợi. “Mong rằng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan sẽ quan tâm, tháo gỡ các khó khăn để loại năng lượng mới này hoạt động ổn định ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, Tổng Giám đốc PVGAS chia sẻ.
Theo PV GAS, trong thời gian tới, LNG sẽ trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo và là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của PV GAS. Mục tiêu của PV GAS là trở thành nhà cung cấp LNG số 1 tại thị trường Việt Nam, bao gồm dịch vụ quản lý, kinh doanh và khai thác hạ tầng LNG. PV GAS sẽ bám sát Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh LNG.