Đằng sau quyết định thuyên chuyển công tác của hai nữ cán bộ

(PLO) - Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có sự kiện làm xôn xao cả nước là bà Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xin nghỉ việc khi bị thuyên chuyển giữ chức Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy. Lý do bà đưa ra là bà không có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực mới mà bà được (hoặc bị) phân công.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Các vị lãnh đạo cao nhất tỉnh nêu lý do của việc thuyên chuyển bà là do bà “chậm chạp, sợ trách nhiệm” trên cương vị của mình gây ảnh hưởng đến công việc của những nhà đầu tư tại tỉnh này.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh không tiếc lời khen ngợi bà có phẩm chất tốt, hiểu biết rộng lĩnh vực mình phụ trách. Cũng cần bổ sung thêm rằng bà là đại biểu Quốc hội khóa XIII, trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bà là Phó Chủ tịch UBND huyện.

Một cán bộ như vậy mà từ chối chức vụ, cương quyết xin nghỉ việc hẳn là có một lý do chính đáng. Đúng vậy, yêu cầu của bà là làm rõ những sai trái trong 4 dự án cấp đất tại địa phương. Lãnh đạo tỉnh cũng không che giấu điều này và cho biết 1 dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến đồng tình, 3 cái còn lại thì đang chỉ đạo làm rõ và cũng không quên nói rõ là “do những người trước để lại”.

Dư luận đang đặt một câu hỏi rất có cơ sở rằng sự điều động (thuyên chuyển) cán bộ như vậy có hợp lý, hợp tình không. Hợp tình thì không bởi nguyện vọng của đối tượng bị thuyên chuyển không muốn vậy (thể hiện bằng sự xin nghỉ việc) còn lý thì cái Quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh ký, bổ nhiệm vào một chức vụ bên Đảng thì chính quyền có được phép không?.

Dù sao, việc từ chối đảm nhận cương vị mới, đồng nghĩa với chấm dứt con đường quan lộ của nữ Giám đốc để yêu cầu làm rõ những khuất tất, sai trái trong lĩnh vực mà mình quản lý cũng đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến và cả sự dũng cảm nữa của một cán bộ quản lý. Quả là một động thái hết sức hy hữu từ trước đến nay, tạo ra một tiền lệ nhắc nhở sự thận trọng trong công tác tổ chức cán bộ và giải quyết những sai trái, khuất tất trong các vụ việc tồn đọng “do người đi trước để lại”.

Cũng trong lĩnh vực văn hóa quản lý, dư luận đang hướng sự chú ý của mình đến một phiên tòa vừa bị hoãn ở Cần Thơ, xử vụ nữ Tiến sỹ bị một trường đại học kiện đòi lại tiền đào tạo bởi vị Tiến sỹ này đã nhận việc ở một đơn vị khác sau khi đi đào tạo về.

Khác với việc Đà Nẵng kiện đòi tiền đào tạo nhân tài, vụ này người ta đã kiện đòi cái mà họ không có: Mọi kinh phí đào tạo đều do phía Nhật Bản bỏ ra và điều đáng nói hơn là vị Tiến sỹ này bằng năng lực của mình đã qua các vòng cạnh tranh để xứng đáng được tiếp nhận vào học chứ không phải vì bà ta đang công tác tại trường đó.

Đáng nói hơn là sau khi nhận học vị về bà được bố trí công tác tại trường song nguyện vong muốn theo học một lớp nữa nhưng không được chấp nhận, vì thế, bà đã làm đơn “xin nghỉ việc” và một thời gian mới xin được việc ở một trường đại học khác thì bị trường cũ kiện(?!).

Những giọt nước mắt của nữ Tiến sỹ này tại phiên tòa, trước ống kính của các phóng viên đã nói lên tất cả về cách hành xử o ép, không thấu lý, đạt tình khá phổ biến trong văn hóa quản lý ở nước ta hiện nay.

Đọc thêm