Dâng trọn đam mê cho ngành Tư pháp

(PLO) - Hơn 37 năm làm công tác tư pháp, ông Huỳnh Văn Thu (60 tuổi) - Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang nói rằng cuộc đời ông là chuỗi ngày dấn thân đầy ý nghĩa cho ngành Tư pháp. 
Biết bao kỷ niệm vui buồn gắn với tuổi nghề của ông, nhưng điều đọng lại trong ông nhiều nhất lại là những chuyến đi cơ sở: bất kể nắng mưa, hễ hay tin ông và cán bộ tư pháp xuống cơ sở là người dân gác lại việc đồng áng, tụ họp đông đúc ở thôn xóm nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật rồi ân cần tay bắt mặt mừng, tíu tít hỏi thăm cán bộ tuyên truyền như vừa gặp lại người thân đi xa lâu ngày. Hình ảnh đó làm cho ông xúc động, dâng trào hạnh phúc.
Ông Huỳnh Văn Thu
Ông Huỳnh Văn Thu
Phó Giám đốc Sở tuổi 33
Năm 1978 khi mới 22 tuổi, ông Thu đã làm cán bộ pháp chế tại Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh Hậu Giang cũ (nay là TP.Cần Thơ), tiền thân Sở Tư pháp Cần Thơ sau này. Năm 1983 Sở Tư pháp Hậu Giang thành lập, ông là một trong những người đầu tiên được phân công về Sở làm công tác văn phòng, phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại ở cơ sở. 
Xác định cuộc đời gắn bó lâu dài với ngành Tư pháp, năm 1983 ông tiếp tục đi học luật ở TP.Hồ Chí Minh để nâng cao nghiệp vụ. Năm 1989, ba năm sau khi tốt nghiệp ra trường, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang và cũng là Phó Giám đốc Sở trẻ nhất Đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. 
Năm 1992, sau khi tách Hậu Giang thành TP.Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, ông hăm hở nhận lệnh phân công về tỉnh mới Sóc Trăng công tác và gắn bó với công tác tư pháp Sóc Trăng suốt 12 năm trời. Giữa năm 2004, tỉnh Cần Thơ tiếp tục chia tách thành TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, một lần nữa ông tình nguyện về Hậu Giang để giúp ngành Tư pháp tỉnh mới đi lên. 
Thời gian đầu gắn bó với Tư pháp Sóc Trăng, trong vai trò Giám đốc Sở, ông mang sức trẻ xung kích trong hầu hết các phong trào, chịu lăn xả thực tế với quần chúng, cùng ăn, cùng ở với bà con người dân tộc, tạo khí thế, phong trào tư pháp lan tỏa khắp các xóm ấp, phum, sóc. 
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số trong khi nhân lực của Sở vỏn vẹn khoảng 10 người, đa phần non kinh nghiệm; thêm vào đó, nguồn lực cơ sở tuy sát dân nhưng trình độ chuyên môn hạn chế, người dân cũng không quan tâm lắm tới luật pháp nên thời gian đầu ông “vừa chỉ huy vừa tác chiến” ở cơ sở, vừa củng cố lực lượng sở tại. 
Với tinh thần dấn thân của người trẻ, đi đến đâu ông cũng dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để ghi vào sổ đời những trang thực tế, đem hết nhiệt tâm và vốn kiến thức có được để phổ biến pháp luật cho người dân dễ hiểu nhất. 
Xây dựng công tác tư pháp từ lòng dân
Qua những chuyến về cơ sở, ông nhận ra rằng người dân nông thôn Sóc Trăng, Hậu Giang không chỉ quan tâm đến đời sống, sản xuất mà rất cần am hiểu pháp luật để bảo vệ quyền lợi của họ. “Nếu việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở được thực hiện tốt, có chiều sâu và đi vào lòng dân thì mọi chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật sẽ được người dân đồng thuận cao”, ông Thu quả quyết. 
Ông không đồng tình việc người lãnh đạo chỉ biết ngồi ở trên chỉ đạo các bộ phận đi cơ sở. Bởi theo ông, công tác tư pháp phải đi từ thực tiễn mà lên, luật pháp xây dựng từ lòng dân, các văn bản pháp luật hiện nay cũng thế, cũng từ cái gốc là dân; quy trình làm luật hiện nay cũng dựa vào dân. 
Thấm nhuần tư tưởng công tác tư pháp phải xây dựng từ lòng dân nên dù bận việc cách mấy, hàng tháng ông cũng dành thời gian đi cơ sở, “nếu không gặp dân ông ấy cũng gặp cán bộ cấp xã, cấp ấp, lắng nghe dư luận quần chúng để về điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp; đồng thời tham mưu tốt cho các cấp chính quyền hiểu mũi nhọn của ngành Tư pháp từng thời điểm là gì để quan tâm chỉ đạo”, một cán bộ Sở Tư pháp Hậu Giang chia sẻ.
Là thủ trưởng của đơn vị, ông đặc biệt quan tâm phát huy đoàn kết nội bộ, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường, đồng thời luôn khơi dậy nhiệt huyết của từng cán bộ. Theo ông, người lãnh đạo tài giỏi cỡ nào nhưng không mẫu mực, không làm tấm gương sáng thì rất khó điều hành tốt công việc nên phải hài hòa giữa khả năng và tâm thế của người lãnh đạo. Ông nói trong cuộc sống lẫn công việc đôi lúc xảy ra mâu thuẫn, bất hòa nhưng mỗi khi có ông rồi thì ông đề nghị phải “nói cho hết lời” rồi đồng tình, nhất trí bắt tay vào công việc.
“Cầu nối” đưa pháp luật đến người dân, doanh nghiệp
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc nêu cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người lãnh đạo, ông còn đề ra nhiều giải pháp nâng cao hoạt động tư pháp địa phương. Ông cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ cho công tác tư pháp, đó là trách nhiệm và vinh dự. Một trong những nhiệm vụ mà ông trăn trở là làm sao thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho DN. 
“DN hoạt động tốt sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo nhiều công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Để DN hoạt động hiệu quả, ngoài chủ trương, đường lối của địa phương thì yếu tố quan trọng để đưa DN đến con đường thành công chính là mức độ am hiểu pháp luật của DN”, ông nói. 
Qua khảo sát của ông, hầu hết các DN trên địa bàn Hậu Giang chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nhiều DN chưa nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình kinh doanh. Ngoài ra, do hạn chế trong việc tiếp cận thông tin pháp lý nên hiệu quả kinh doanh của nhiều DN còn thấp; chưa có biện pháp phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh, chưa có sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện bảo hộ quyền, lợi ích của DN… 
Từ thực tế trên, sáng kiến thành lập Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho DN tỉnh Hậu Giang trực thuộc Sở Tư pháp do ông Thu đề xuất vừa mới thành lập và đi vào hoạt động. “Việc thành lập Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho DN đưa Hậu Giang trở thành tỉnh đầu tiên, đi đầu trên cả nước thành lập Trung tâm này nhằm tạo bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trong thời gian tới, đồng thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho DN được Chính phủ giao”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa  phấn khởi cho biết.
Không dừng lại ở đó, ông Thu còn đề xuất giải pháp phối hợp với Trường Trung cấp Luật Vị Thanh dạy pháp luật trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cho lực lượng hòa giải viên cơ sở. Kết thúc khóa học, học viên sẽ viết bài thu hoạch về các nội dung đã học. Bài thu hoạch của học viên được chấm điểm, đánh giá chất lượng và xét cấp Giấy chứng nhận nếu đạt được số điểm theo quy định... Lớp học thu hút gần 3.000 học viên tham gia.
Với những đóng góp cho công tác tư pháp, từ năm 2010 đến nay, định kỳ hàng năm ông Thu đều được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2014 được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Ngành và được UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen; năm 2009 ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Ông bảo đó là động lực lớn tiếp thêm sức mạnh để ông cống hiến hết mình cho Ngành đến lúc nghỉ hưu và bàn giao công việc cho thế hệ trẻ.

Đọc thêm