Xử lý theo mức độ tác hại của văn bản với đời sống
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Hoa cho rằng, trong năm qua, kinh tế - xã hội của nước ta có những bước phát triển đáng ghi nhận. Song, ĐB cũng nêu ra một số vấn đề cần chú ý.
Thứ nhất, về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm qua, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính tăng 11,8% về số đơn và tăng 4,7% số vụ so với năm 2007.
“Dường như có một nghịch lý là kinh tế càng phát triển thì khiếu nại, tố cáo càng có xu hướng gia tăng, tình hình thì diễn biến phức tạp và gay gắt. Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, không nên né tránh. Phải chăng có lúc, có nơi chúng ta mải lo phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến bức xúc của người dân?”, ĐB đặt vấn đề.
ĐB Hoa lưu ý thời gian qua có tới hơn 5.600 văn bản trái pháp luật được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành, trong đó nhiều văn bản ban hành trái thẩm quyền, sai sót về căn cứ pháp lý, sai về hiệu lực văn bản.
“Tôi đánh giá cao sự tích cực của Bộ Tư pháp trong việc rà soát, kiểm tra, phát hiện các văn bản trái pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tiếp tục phải tích cực và nghiêm khắc hơn để lập lại trật tự, kỷ cương trong ban hành văn bản pháp luật”, ĐB nói.
ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình) cũng chỉ ra hạn chế trong cải cách hành chính, công chức, công vụ là bên cạnh điểm tiến bộ đã cắt giảm 50% thủ tục hành chính, 60% điều kiện kinh doanh thì chúng ta cũng còn vài khuyết điểm. Ví dụ, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ về 5.639 văn bản trái pháp luật, trái về căn cứ pháp lý, trái về nội dung, trái về thẩm quyền ban hành và trái về các thể thức văn bản được ban hành trong năm 2017.
ĐB Tản đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo để khắc phục việc này; xác định bộ, ngành nào, địa phương nào ban hành các văn bản đó và xử lý theo mức độ tác hại của các văn bản đối với đời sống kinh tế - xã hội, đối với môi trường kinh doanh.
“Vì những việc này sẽ dẫn đến mất niềm tin vào sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt việc này toàn các cơ quan công quyền ban hành chứ không phải của nhân dân”, ông nói.
Cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp
Cũng băn khoăn về vấn đề này, ĐB Nguyễn Chiến (TP Hà Nội) cho rằng công tác tư pháp có tác động không nhỏ đến khả năng hoàn thiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ĐB Chiến, một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường điều căn bản là minh bạch về sở hữu rõ ràng về quyền lợi doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước phải bình đẳng không phân biệt đối xử. Quyền lợi hợp pháp của dân tham gia nền kinh tế phải được bảo đảm, do vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp trong kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Chiến phát biểu tại phiên họp. |
ĐB Chiến cho rằng, trong nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế và chuẩn bị điều kiện cần thiết và thực thi khai thác tốt những cơ hội ký kết hiệp định thương mại tự do có vấn đề hoàn thiện thể chế tư pháp vì hoàn thiện thể chế tư pháp là điều kiện để cơ hội đầu tư kinh doanh các hiệp định thương mại tự do được thực thi hiệu quả.
Nhắc đến vụ việc vừa qua ở Cần Thơ, người thợ điện đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng, ĐB Chiến cho rằng đây là điển hình thiếu trong quy định, thiếu áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình.
ĐB Chiến cho rằng xóa bỏ tình trạng đô la hóa thị trường phải được thực thi. “Quy định cứng không có định lượng, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện phân biệt nơi nào được đổi và nơi nào không được đổi? Sự tồn tại của các nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều thì đó trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ĐB nhận định.
Theo ĐB Chiến, những mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10 USD, 100 USD cũng cùng mức phạt như đổi 1.000 USD hay 100.000 USD đều ở phạt ở mức 80 triệu đến 100 triệu là không phù hợp.
“Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường buôn bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai, hầu như không bị kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ, nhà nước phải thu hẹp trước để người dân không còn vi phạm”, ĐB nói thêm.
ĐB Chiến cũng cho rằng, gần đây chúng ta quan tâm đến khai phóng tiềm lực trong nhân dân, khuyến khích người dân đầu tư lập nghiệp, làm ăn. Hành lang pháp lý đã có nhưng người dân vẫn chưa yên tâm bỏ tiền đầu tư.
“Sắp tới Chính phủ có giải pháp nào để số tiền này trong dân sẽ được đưa vào lưu thông, góp phần thực hiện giải pháp tăng trưởng nền kinh tế như đã đặt ra. Thiết nghĩ, giải pháp nào cũng phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân. Một nền kinh tế thị trường dựa trên sức dân thì phải song hành với một hệ thống tư pháp rõ ràng, minh bạch, thực thi nghiêm minh”, ĐB nhấn mạnh.
ĐB cũng cho rằng, doanh nghiệp, người dân hiện nay cần cơ chế thuận lợi trong quyết định đầu tư, dễ dàng, khách quan trong giải quyết tranh chấp, bình đẳng, công bằng trong đối xử. Đặc biệt, hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế dứt khoát phải loại trừ.
Theo ĐB Chiến, yếu tố thể chế, chính sách pháp luật tạo rào cản bất cập, bất công hay yếu tố con người, năng lực thực thi, vô cảm trước quyền lợi, nỗi đau của người dân, doanh nghiệp đang ngự trị chúng ta cần nhìn nhận lại.
“Ở trên Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt hoàn thiện pháp luật và thể chế để đảm bảo thực thi, ở người dân nóng vì mong đợi sự cải cách, đổi mới, kỳ vọng quyền lợi hợp pháp được bảo đảm. Nhưng ở giữa một bộ phận không nhỏ bộ máy cơ quan nhà nước vẫn lạnh, vô cảm trước quyền lợi chính đáng của người dân. Không coi người dân là mục tiêu phục vụ trong công tác của mình, vì không có nền kinh tế mạnh phát triển trên sức dân”, ĐB nhận định.
Theo ĐB Chiến, phải coi công tác tư pháp là mắt xích quan trọng trong guồng máy phát triển kinh tế, nếu mắt xích này yếu sẽ kìm hãm việc thực hiện giải pháp chung của nền kinh tế đất nước.
“Chính phủ cần lưu ý cơ chế tư pháp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm cho các giải pháp được đồng bộ và hiệu quả”, ông nói.