Đánh giá công nghệ y tế là gì?
Hội nghị tổ chức hàng năm nhằm mục tiêu phát triển năng lực đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam và tăng cường ứng dụng vào việc xây dựng chính sách y tế, đặc biệt là chính sách BHYT. Theo các chuyên gia, đánh giá công nghệ y tế (Health Technology Assessment) là phương pháp đánh giá khía cạnh y học, dịch tễ học, xã hội học và kinh tế học của các can thiệp y tế (bao gồm thuốc, vaccine quy trình y tế, thiết bị y tế, dịch vụ y tế và cả các can thiệp y tế công cộng) về nhiều lĩnh vực như y học, xã hội học và kinh tế học,…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT. Trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ở nước ta còn hạn chế, mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đòi hỏi quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn, thì đánh giá công nghệ y tế đã trở thành công cụ cần thiết được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT.
Trong những năm vừa qua, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các chính sách, trong đó ứng dụng các bằng chứng về đánh giá công nghệ y tế như đàm phán giá với các đơn vị cung ứng, lựa chọn các can thiệp y tế để xây dựng danh mục thuốc BHYT…
Sử dụng đánh giá để xây dựng danh mục thuốc BHYT
Theo quy định hiện nay, danh mục thuốc BHYT được thanh toán có 1.037 hoạt chất thuốc hóa dược, 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu và 229 thuốc đông y cổ truyền, thuốc từ dược liệu. Một số ý kiến cho rằng việc cập nhật danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam còn chậm, nhiều loại thuốc mới, hiệu quả điều trị tốt chưa được BHYT chi trả. Theo các chuyên gia, đánh giá công nghệ y tế sẽ là căn cứ để cập nhật danh mục thuốc BHYT, đàm phán giá, bảo đảm cân đối quỹ BHYT và quyền lợi cho người bệnh.
Đối với vấn đề này, theo Thạc sĩ Vũ Nữ Anh - Vụ BHYT (Bộ Y tế), với cơ cấu chi từ BHYT tại Việt Nam hiện nay, danh mục thuốc vẫn chiếm cơ cấu chi lớn nhất với hơn 30% tổng chi từ Quỹ BHYT. Trong khi đó, tỉ lệ người dân phải chi tiền túi trong khám, chữa bệnh BHYT còn cao.
Thạc sĩ Vũ Nữ Anh nhận định, đánh giá công nghệ y tế là công cụ quan trọng để kiểm soát chi tiêu của quỹ BHYT, liên quan tăng nguồn thu của quỹ và giảm chi để chống mất cân bằng. Hiện, chi tiền túi của người dân vẫn chiếm khoảng 43 - 45% tổng chi phí cho y tế, là gánh nặng chi phí với người bệnh. Để công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, tỷ lệ này là không quá 25%.
Hiện nay, Bộ Y tế đưa ra dự thảo về Thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho người dân tham gia BHYT trong trường hợp cơ sở y tế không cung cấp được thuốc, vật tư cho người dân. Hiện thông tư này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Y tế để lấy thêm ý kiến từ các chuyên gia và cộng đồng.
Trong dự thảo Thông tư lần này, cơ sở y tế không cung cấp được thuốc, vật tư cho bệnh nhân để người bệnh tự mua thì BHYT sẽ trả lại tiền. Điều kiện, người bệnh hoặc người nhà mang đơn đó đi mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc của viện khác (có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT) hoặc đơn vị cung ứng đáp ứng trúng thầu với cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực.
Để được thanh toán, người bệnh hoặc thân nhân xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế đã được bác sĩ chỉ định cùng hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế. Người bệnh nhận được thanh toán của BHYT khi nộp đủ hồ sơ cho cơ quan BHYT trong vòng 40 ngày.
TS Nguyễn Thị Khánh Phương (Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế) thông tin, theo kinh nghiệm quốc tế, phạm vi đánh giá công nghệ y tế gồm 3 đối tượng phổ biến nhất gồm thuốc, trang thiết bị y tế, can thiệp y tế khác (quy trình chuyên môn kỹ thuật, chương trình y tế). “Tại các quốc gia trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan,... đã sử dụng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng danh mục thuốc được chi trả trong BHYT. Trong đó, các quốc gia sử dụng đánh giá công nghệ y tế nhằm cập nhật bổ sung thuốc mới; điều chỉnh điều kiện thanh toán; đưa thuốc ra khỏi danh mục và thay đổi mức thanh toán. Thời gian cập nhật, sửa đổi danh mục phổ biến tại các quốc gia là từ 1 đến 3 năm”, bà Phương nêu.
Bà Nguyễn Thị Khánh Phương cũng đề xuất cần đẩy mạnh sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách. Đồng thời, huy động nguồn tài chính, nhân lực bền vững và phù hợp để thực hiện đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận về những kết quả trong đánh giá công nghệ y tế; chia sẻ kinh nghiệm, chính sách quốc tế về ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong việc xây dựng gói quyền lợi. Cùng với đó, giới thiệu quy trình, phương pháp, kỹ thuật và dữ liệu để thực hiện nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế.