Cân nhắc khi đánh thuế để bảo vệ hàng hóa
Đồng tình với những tiếp thu, điều chỉnh của Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc áp dụng thuế tự vệ cho các mặt hàng trong nước nhằm bảo vệ sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, ĐB cũng cảnh báo nếu không cân nhắc kĩ trước khi áp dụng thuế bảo vệ sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không khuyến khích cho sản xuất trong nước khi nước ta đang cạnh tranh gay gắt và hội nhập sâu.
Dẫn chứng trường hợp áp thuế tự vệ cho phôi thép ở mức cao hơn thế giới khiến giá phôi thép tăng chóng mặt, dẫn đến hiện tượng “găm” hàng làm người tiêu dùng và nền kinh tế cùng thiệt hại, ĐB nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi thì không nên xây dựng hàng rào để bảo vệ sản xuất trong nước. Dư luận đang bức xúc, người dân đang mua hàng rẻ thành đắt, thị trường đang ổn định thành biến động. Vậy thì chúng ta tính toán lại”.
Về vấn đề miễn thuế, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu là hàng mẫu, không nhằm mục đích thương mại. Đồng thời, tàu cá đánh bắt xa bờ luôn phải nhập khẩu thiết bị, vì vậy cho bổ sung miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu linh kiện, thiết bị để đóng tàu biển đánh bắt xa bờ theo ưu đãi của pháp luật Việt Nam.
Còn ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, Luật cần quy định cụ thể ai là người có thẩm quyền xác định biên độ bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước; cơ quan nào có thẩm quyền đánh giá và đưa ra yếu tố này? Vì thời hạn áp thuế chống bán phá giá theo Dự thảo là không quá 5 năm kể từ trường hợp cần thiết sau đó được gia hạn, nhưng quy định như vậy là dài khi hàng hóa biến đổi liên tục theo thị trường. “Do vậy, thời gian cần ngắn hơn, cần tiến hành rà soát hàng năm, hoặc 2 năm một lần là phù hợp”- ông Tiến bày tỏ.
Phải quản “thần dược” để dân không bị thiệt
Thực trạng người dân đang rất nhầm lẫn về thực phẩm chức năng (TPCN) do quảng cáo đang biến TPCN thành “thần dược”, là “lá chắn” cho bệnh tật với sự hỗ trợ của các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ trong ngành Y, giá bán rất cao so với giá thành vì tâm lý “giá cao mới tốt” được ĐBQH phản ánh khi góp ý vào Báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo Luật Dược (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng TPCN được quản lý bằng quy định của Luật An toàn thực phẩm nên Dự thảo Luật chỉ bổ sung quy định cấm quảng cáo, tiếp thị, tư vấn các sản phẩm không phải là thuốc mà có nội dung gây hiểu lầm là thuốc. Song, ĐBQH nhận thấy, trông chờ vào Luật An toàn thực phẩm quản lý TPCN là còn khoảng trống về pháp lý trong quản lý TPCN.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) bức xúc: “Dự thảo Luật không đề cập, nói sẽ xây dựng luật riêng nhưng đến bao giờ? Sao cái đang rất cần không tập trung mà làm?”. Do vậy, trong khi chờ có luật riêng, một số ĐBQH đề nghị Luật Dược phải quản lý TPCN để người dân không phải chịu thiệt thòi, thậm chí có thể mất mạng, vì nhầm lẫn.
ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) băn khoăn khi Dự thảo Luật kéo dài thời gian thu hồi thuốc kém chất lượng. Theo ĐB, kéo dài thời gian thu hồi thuốc thì “bao nhiêu tính mạng người dân bị ảnh hưởng từ các loại thuốc này” và “nếu biết là thuốc này không có hiệu quả gì khi sử dụng thì sao không cho thu hồi luôn lại để bán cho người dân?”.
ĐB cũng lo ngại, kéo dài thời gian thu hồi chỉ tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh thuốc tẩu tán thuốc để tránh thua lỗ và càng tốn chi phí thu hồi, gây tốn kém tiền bạc của người dân. Do đó, bà Nguyễn Thu Anh kiến nghị quy định thời gian thu hồi (48 giờ đối với thuốc vi phạm ở mức độ 1 và 1 tuần đối với thuốc vi phạm ở mức độ 2, 3) và ra quyết định thu hồi (còn 24 giờ) để hạn chế hậu quả do thuốc kém chất lượng gây ra./.