Có 2 phương án đánh thuế đối với nhà được đưa ra với ngưỡng 1 tỷ đồng và 700 triệu đồng. Với phương án a, nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống thuế suất 0%, phần giá tính thuế đối với nhà trên 1 tỷ đồng đánh thuế 0,3% (phương án 1) hoặc 0,4% (phương án 2). Với phương án b, nhà từ 700 triệu đồng trở xuống thuế suất 0%, phần giá tính thuế đối với nhà trên 700 triệu đồng đánh thuế 0,3% (phương án 1) hoặc 0,4% (phương án 2).
Theo Bộ Tài chính, với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là 1 tỷ đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng) thì không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp cấp IV, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III.
Với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là 700 triệu đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng), phương án này không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, với phương án này phạm vi điều tiết đối với nhà tại nông thôn và nhà cấp III sẽ nhiều hơn phương án lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng. “Với phương án này, có đến 90% nhà ở nông thôn sẽ không bị đánh thuế” - ông Thi khẳng định.
Ngoài phương án đánh thuế đối với nhà, theo dự thảo, đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng, mức thuế là 1%; Đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm, mức thuế đề xuất là 2%. Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế cao đối với các đối tượng này nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công. Đại diện Bộ Tài chính cũng lưu ý, việc thu thuế đối với các trường hợp này không có nghĩa là công nhận tài sản bất hợp pháp.
Theo tính toán trên cơ sở dữ liệu diện tích đất theo số liệu thống kê năm 2015 và giá 1m2 đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố cho giai đoạn 2015- 2020, số liệu về nhà ở năm 2011 tại đề án Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tính đến năm 2014 do Bộ Xây dựng cung cấp và số liệu thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp qua các năm, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế đối với tài sản theo phương án 1 (thuế suất 0,3%) là khoảng 22.700 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng), hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng); đối với phương án 2 (thuế suất 0,4%) là khoảng 33.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng), khoảng 31.000 tỷ đồng đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đề xuất thực hiện theo phương án 2 và áp dụng đối với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
“Trên thực tế sẽ có trường hợp có người ở nhà có giá trị rất lớn nhưng không có tiền nộp thuế, để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Luật quy định cho phép chậm nộp thuế và không tính phạt chậm nộp trong thời gian chậm nộp thuế. Người nộp thuế phải có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản…” - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế giải đáp.
Trả lời câu hỏi của PLVN về việc người sở hữu nhiều nhà nhưng giá trị các nhà dưới 700 triệu đồng, tính thuế như thế nào? Ông Thi cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, phương án đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở lên chưa phù hợp nên Ban soạn thảo căn cứ vào giá trị nhà, trường hợp người có nhiều nhà sẽ cộng dồn giá trị các nhà lại và tính thuế theo ngưỡng quy định. Giá trị tính thuế sẽ căn cứ vào Bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, ngay sau buổi họp báo này, Dự thảo Luật Tài sản sẽ được đăng trên website của Bộ Tài chính và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định.