Đánh thuế nước ngọt có giảm được béo phì, tiểu đường?

(PLO) - Tại Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất nhiều thay đổi với 30 nhóm chính sách được cho sẽ tác động lớn đến nhiều nhóm ngành hàng, trong đó có đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước ngọt. Điều này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) và đại diện các hiệp hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giảm béo phì, tiểu đường – sao lại chỉ đánh thuế nước ngọt?

Bộ Tài chính lý giải, áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, phù hợp xu hướng và thông lệ quốc tế và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, cụ thể là giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân mắc béo phì và tiểu đường.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị “bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: Nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với 2 phương án thuế suất 10% hoặc 20% từ năm 2019.

Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Vũ Tú Thành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, đặt câu hỏi: “Từ đâu Bộ Tài chính cho rằng nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì, nếu đánh thuế lên nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không? Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khoẻ người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường, cần phải đánh thuế tất cả các thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh đó, không nên có sự phân biệt”.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (BRNGK) Việt Nam, “nước ngọt” cần được xác định rõ là nước uống có đường hay tất cả các đồ uống có vị ngọt? Trong trường hợp nước ngọt nhưng không chứa đường thì liệu có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như mô tả hay không?

“Bộ Tài chính cần phải chứng minh một cách khoa học về việc: “liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không? ” và “nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không?” – Hiệp hội BRNGK Việt Nam đưa ra kiến nghị trong bản góp ý gửi Bộ Tài chính. Hiệp hội này cũng đề nghị làm rõ những từ ngữ trong dự án luật chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Ví dụ, khái niệm “nước ngọt” cần được xác định rõ ràng. “Nước ngọt” được định nghĩa là nước uống có đường, hay tất cả các đồ uống có vị ngọt, bất kể có chứa đường hay không? Trong trường hợp nước uống có vị ngọt nhưng không chứa đường thì có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng như Bộ Tài chính mô tả hay không?

Có sự phân biệt đối xử?

Bên cạnh đó, nhiều DN, hiệp hội cho rằng các khái niệm “đồ uống”; “nước trái cây 100% tự nhiên”; “sữa và các sản phẩm từ sữa”… trong dự thảo chưa rõ, có thể dẫn đến hiểu nhầm và đang bao hàm lên cả những sản phẩm có ích cho sức khỏe.

Hiệp hội BRNGK cũng đề nghị làm rõ, nếu như “nước ngọt” được định nghĩa là đồ uống có đường thì mức thuế áp dụng cần phải thay đổi theo hàm lượng đường. Không nên áp dụng mức thuế giống nhau giữa sản phẩm có hàm lượng đường thấp với sản phẩm có hàm lượng đường cao vì ảnh hưởng của các sản phẩm này khác nhau.

Bên cạnh đó, cần định nghĩa rõ “đồ uống thể thao”, “nước trái cây” và “sữa và các sản phẩm từ sữa”. Hàm lượng trái cây hoặc sữa trong nước trái cây, trong sữa hoặc các sản phẩm sữa chiếm tỷ lệ bao nhiêu thì đủ điều kiện để không áp thuế TTĐB Sản phẩm nước trái cây có chứa sữa có được coi là sản phẩm từ sữa và được miễn thuế không? Định nghĩa “nước trái cây 100%” cũng cần được quy định rõ ràng hơn vì trên thực tế không thể có sản phẩm nước trái cây 100% được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp.

Hiệp hội BRNGK cho rằng, Dự án Luật có sự phân biệt đối xử giữa đồ uống và các thực phẩm khác, có vị ngọt hoặc chứa đường. Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khoẻ của người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các loại bệnh đó. Có rất nhiều loại thực phẩm có chứa hàm lượng đường cao hơn sản phẩm nước ngọt nhưng cơ quan soạn thảo lại chỉ đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt.

Trong trường hợp cần áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, Hiệp hội nói trên đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp thuế TTĐB đối với tất cả các hàng hóa thực phẩm có chứa đường ở một mức thuế thấp, ví dụ từ 1% đến 3%, hoặc chỉ áp thuế TTĐB đối với những sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao.

Bên cạnh đó, bỏ “đồ uống thể thao” ra khỏi danh mục vì hàm lượng đường cùng với khoáng chất và vitamin trong đồ uống thể thao cần thiết để giúp vận động viên hoặc người chơi thể thao thay thế nước, chất điện giải và năng lượng trước và sau khi tập luyện hoặc thi đấu. Đồ uống thể thao không thể là nguyên nhân gây ra chứng béo phì và tiểu đường. Đồng thời, làm rõ khái niệm “nước rau quả, nước trái cây 100% tự nhiên”, “sữa” và các sản phẩm sữa”, ví dụ café sữa hay sữa trái cây có bị áp thuế không?

Đọc thêm