Đào tạo chức danh tư pháp: Có đặc thù, phải có chính sách riêng

(PLO) - Ban soạn thảo Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp vừa có phiên họp lần thứ 3 để cho ý kiến về một số nội dung xung quanh Dự thảo Pháp lệnh. 
Luật sư tranh tụng tại phiên tòa. Ảnh minh họa
Luật sư tranh tụng tại phiên tòa. Ảnh minh họa
Chủ trì phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu Dự thảo Pháp lệnh phải nhấn mạnh được vấn đề đào tạo chung ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và làm rõ những đặc thù kèm theo những chính sách cần có của loại hình đào tạo chung này.
Thiết lập các tiêu chuẩn chung
Trong thời gian qua, công tác đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ nhiều hạn chế đáng kể, trong đó đáng chú ý  là sự thiếu đồng bộ trong hoạt động đào tạo, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện… 
Vì vậy, Dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; thiết lập các tiêu chuẩn chung về điều kiện tổ chức hoạt động đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và các nguồn lực khác.
Báo cáo về Dự thảo Pháp lệnh, Giám đốc Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thái Phúc cho biết, một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm trong quá trình soạn thảo Dự thảo Pháp lệnh là chính sách của Nhà nước trong đào tạo “3 chung”, nhất là một số chính sách riêng gắn với đặc thù của lĩnh vực này. 
Chẳng hạn như, dự kiến quy định Nhà nước đảm bảo các nguồn lực và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho đào tạo “3 chung”; ưu tiên đào tạo theo chuyển đổi vị trí công tác của các chức danh tư pháp, tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử; có chế độ thu hút và đãi ngộ thích hợp để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đào tạo “3 chung”; có chính sách hỗ trợ học phí với một số đối tượng học viên. 
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, theo ông Phúc, một số ý kiến lại cho rằng Dự thảo Pháp lệnh không nên quy định những chính sách riêng cho hoạt động đào tạo “3 chung” để bảo đảm sự bình đẳng với các hoạt động đào tạo khác.
Phải tổ chức thi tuyển quốc gia
Tham dự phiên họp, Phó Chánh Văn phòng kiêm Vụ trưởng – Trưởng ban III, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, mô hình đào tạo “3 chung” không liên quan đến đào tạo cạnh tranh, không giống như hệ thống đào tạo mà chúng ta vốn biết. 
Do đó, ông Nhưỡng ủng hộ việc quy định chính sách riêng của Nhà nước về đào tạo “3 chung” với phân tích đây là đào tạo đặc thù, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cải cách tư pháp. Trên quan điểm này, ông Nhưỡng cho rằng phải đảm bảo bình đẳng của đầu vào, tức là phải có cả hai hình thức tuyển sinh, gồm thi tuyển và xét tuyển.
Thành viên đến từ Đại học Kiểm sát lại băn khoăn, đội ngũ giảng viên cơ hữu trong loại hình đào tạo “3 chung” có thể vẫn là Thẩm phán, Kiểm sát viên hay không? Nếu cho phép thì sẽ ổn định được đội ngũ giảng viên, họ sẽ yên tâm về công tác trong khi vẫn giữ được chức danh tư pháp. 
Tán thành đề xuất về cơ chế điều chuyển giảng viên trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu còn mạnh dạn kiến nghị, Dự thảo Pháp lệnh cần tính đến quy định trong thời gian triển khai thí điểm đào tạo “3 chung” nên xem xét miễn học phí cho các học viên.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ đạo phải rà soát kỹ các luật liên quan, nhất là những luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND để có một quy định chung phù hợp, vì hiện nay có nhiều nơi đang thực hiện đào tạo các chức danh tư pháp. Dự thảo Pháp lệnh cần nhấn mạnh nội dung về đào tạo chung với các quy định cụ thể từ chương trình, nội dung đến phương pháp đào tạo và trên tinh thần cơ sở nào đủ điều kiện thì được Thủ tướng Chính phủ giao đào tạo chung. 
Đặc biệt, Bộ trưởng lý giải, đào tạo chung phải có quy định đặc thù, đã là đặc thù phải tổ chức thi tuyển quốc gia đầu vào tìm người xuất sắc nhất trong các cử nhân, thực sự xứng đáng được miễn học phí nếu Chính phủ đồng ý thông qua. Ngoài ra, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, quyền lợi, chế độ, chính sách khi được cử làm giảng viên kiêm chức... 

Đọc thêm