Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Hãng Luật TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Đất thổ cư là cách gọi truyền thống của đất ở. Đồng thời, tại Thông tư 08/2007/TT-BTNMT có định nghĩa: Đất ở là đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng một thừa đất thuộc khu dân cư (kể cả trường hợp vườn, ao gắn liền với nhà ở riêng lẻ) đã được công nhận là đất ở.
Từ định nghĩa trên có thể thấy, 60m2 đất thổ cư (đất ở) sẽ bao gồm: nhà ở, các công trình phục vụ đời sống, vườn và ao ( nếu có). Phần còn lại( 240m2) sẽ là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp khác. Đây là một con số không an toàn (60m2 ) khi nó bao gồm cả nhà ở và các công trình khác phục vụ đời sống. Dễ thấy rằng cách khắc phục chỉ có thể là lấy thêm phần diện tích đất không phải đất ở còn lại để xây dựng nhà và các công trình khác.
Tuy nhiên, điều này là bất hợp pháp. Một trong những điều Pháp luật đất đai cấm đó là sử dụng đất không đúng mục đích. Đồng thời, tại Điều 170 Luật đất đai cũng quy định rằng người sử dụng có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Do phần đất còn lại không phải là đất ở nên không thể để nhà ở hay các công trình thuộc nhà ở lấn vào phần diện tích đất còn lại này.
Tuy nhiên, đây không phải vấn đề không thể giải quyết. Để hợp pháp hóa việc tăng diện tích nhà ở và các công trình liên quan thì người sử dụng đất có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần đất còn lại từ đất nông nghiệp (hoặc đất phi nông nghiệp khác) sang thành đất ở với điều kiện khu đất bạn đủ điều kiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật.