Đặt cược thể thao chính thức được luật hóa

(PLO) - Sáng nay, 14/6, với 457 trong tổng số 460 ĐBQH tại hội trường bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. 
QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh khi có giấy chứng nhận 

Một trong những điểm đáng chú ý của luật này là quy định liên quan đến hoạt động đặt cược thể thao. Với việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao chính thức được thông qua, hoạt động này đã được luật hóa và được quy định chi tiết tại Điều 68a như sau:

1. Đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược. 

2. Kinh doanh đặt cược thể thao phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: 

a) Kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao;

c) Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia;

d) Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.

 3. Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.”.

Chưa quy định bơi là môn học bắt buộc

Liên quan đến môn bơi lội, theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao của UBTV QH, nhiều ý kiến thống nhất không quy định bơi là môn học bắt buộc nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Bên cạnh đó, đặc thù của thể thao phải căn cứ vào sở thích, tố chất và sức khỏe của từng học sinh. Vì vậy, môn bơi cần được hình thành, phát triển theo nhu cầu, sở thích và theo hướng khuyến khích xã hội hóa.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh ra trường. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu, đồng thời đảm bảo tính khả thi của điều luật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển môn bơi, Dự thảo đã quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 3 Điều 4; khoản 1 Điều 21; khoản 6 Điều 22).

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường (khoản 5 Điều 21).

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Đọc thêm