Đất nhờ người khác đứng tên, bị kê biên có đòi được không?

Sau khi mua đất, chị Thủy đã nhờ chú ruột của mình đứng tên trên sổ đỏ. Sau đó, mảnh đất này bị kê biên, chuẩn bị đấu giá để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người chú ruột, vậy chị Thủy có đòi được đất của mình?. Chị phải làm gì để chứng minh với cơ quan chức năng?.

Sau khi mua đất, chị Thủy đã nhờ chú ruột của mình đứng tên trên sổ đỏ. Sau đó, mảnh đất này bị kê biên, chuẩn bị đấu giá để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người chú ruột, vậy chị Thủy có đòi được đất của mình?. Chị phải làm gì để chứng minh với cơ quan chức năng?.

Đất đai và tài sản gắn liền với đất luôn cần được làm thủ tục pháp lý đầy đủ khi mua bán, trao đổi. Ảnh minh họa

Nhờ người khác đứng tên trên đất

Vợ chồng chị  Bùi Thu Thủy kết hôn cách đây khoảng 15 năm, lúc ấy anh chị còn đang sinh sống bên Nga. Sau khi về nước, họ sinh đứa con đầu lòng, đến nay đã 12 tuổi. Cuộc sống sau khi về nước khá khó khăn do anh chị thiếu vốn làm ăn.

Thương con gái, cha mẹ chị Thủy cho con hơn chục cây vàng để mở một đại lý bán đường sữa, bánh kẹo ngay trên con phố sầm uất nhất. Là người có duyên buôn bán nên thu nhập hàng tháng của chị Thủy từ quầy hàng này có khi lên tới vài chục triệu đồng.

Anh Trí (chồng chị Thủy) mới đầu cũng phụ giúp việc bán hàng với vợ, sau đó có lẽ vì tâm lý không muốn sống nhờ vợ nên anh đã làm lơ xe cho một người bạn thân chạy chuyến Bắc Nam.

Sau một thời gian, chị Thủy phát hiện chồng có "bồ". Anh Trí mới đầu còn giấu giếm mối quan hệ này, sau đó thì công khai, thậm chí còn về nhà lấy tiền của vợ mang đi bao gái. Suốt bao năm anh Trí đi làm bên ngoài, chị Thủy chưa lần nào được cầm đồng tiền lương từ tay chồng, ngược lại, hằng tháng còn phải đưa thêm cho anh để “lấy tiền hút thuốc, tiêu vặt”.

Cách đây hai năm, được một người quen giới thiệu, chị Thủy đã mua một mảnh đất ngay tại Trung tâm thành phố với giá gần 3 tỷ đồng. Đây là số tiền chị dự định trả cho bố mẹ đẻ vì trước kia ông bà đã cho chị vốn để mở cửa hàng. Tuy nhiên, vì chị là con độc nhất của cha mẹ nên ông bà đã tặng cho mẹ con chị số tiền này.

Để phòng xa chuyện sau này tranh chấp tài sản với chồng, chị Thủy đã nhờ ông Nguyễn Xuân Cảnh, là chú ruột, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự định của chị là sẽ để dành mảnh đất này cho con trai khi cháu lớn lên.

Chứng minh bằng cách nào?

Không may cho chị, sau khi làm ăn thua lỗ và bị chủ nợ đòi gắt gao, chú ruột của chị đã đem Giấy CNQSDĐ đến thế chấp tại Ngân hàng để vay tiền. Vì sợ chị sẽ phản đối việc làm này nên ông Cảnh đã giấu bố mẹ chị và chị chuyện đem thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng.

Mới đây, sau nhiều lần đến hẹn mà không thành toán đủ nợ, Ngân hàng đã kiện ông Cảnh ra Tòa. Tòa án đã tuyên buộc ông Cảnh  phải trả nợ với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Bản án trên đã có hiệu lực pháp luật và Chi cục thi hành án dân sự quận X đã căn cứ vào bản án để kê biên mảnh đất của chị Thủy mà ông Cảnh đứng tên hộ.

Khi chị Thủy biết được việc làm của chú mình thì cơ quan thi hành án đang chuẩn bị làm thủ tục bán đấu giá mảnh đất trên. Đến lúc này ông Cảnh mới nói rõ sự thật với cơ quan thi hành án và làm đơn đề nghị cơ quan này hủy bỏ việc kê biên, định giá để trả lại đất cho chị Thủy. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án không chấp nhận đề nghị này và cho rằng họ chỉ thực hiện theo đúng quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật và đơn đề nghị thi hành án của phía Ngân hàng (bên được thi hành án).

“Việc làm của cơ quan thi hành án có quan liêu không khi chú tôi đã thừa nhận mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của tôi mà họ vẫn kê biên và đang chuẩn bị làm thủ tục bán đấu giá?. Tôi đang rất lo lắng không biết phải làm cách nào để chứng minh mảnh đất đó là tiền của tôi bỏ ra mua?.

Tôi đã hỏi ý kiến của nhiều người và họ cho rằng nguy cơ tôi sẽ mất trắng mảnh đất này là rất lớn. Bởi mảnh đất này dù thực tế là do tôi bỏ tiền ra mua nhưng người đứng tên lại là chú tôi, vì vậy tôi sẽ không có cơ sở để đòi lại. Pháp luật sẽ nghiêng về người có đủ cơ sở pháp lý chứ không tin lời khai bằng miệng của tôi. Tôi phải làm gì để cơ quan Thi hành án không bán đấu giá mảnh đất này và trả mảnh đất về cho tôi?”, chị Thủy lo lắng.

Về vụ việc này, Luật gia Hồng Hạnh (Tòa Dân sự-TANDTC) tư vấn như sau: Theo quy định tại các Điều 91, 95, 115 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản nếu có căn cứ cho rằng tài sản đó là của người phải thi hành án, kể cả quyền sử dụng đất hoặc tài sản đang do người thứ ba giữ, trừ trường hợp tài sản không được kê biên. Khi kê biên tài sản nếu có tranh chấp thì chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho đương sự về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn ba tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản bị kê biên được xử lý để thi hành án.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì mặc dù mảnh đất do chị Thủy bỏ tiền mua nhưng chú ruột của chị là người đứng tên quyền sử dụng đất, bởi vậy cơ quan thi hành án quận X sẽ căn cứ vào việc ông Cảnh là chủ sử dụng đất hợp pháp, được pháp luật thừa nhận để kê biên mảnh đất này. Việc làm này của cơ quan thi hành án là nhằm đảm bảo cho việc thi hành nghĩa vụ trả nợ của ông Cảnh theo quyết định của bản án, vì thế cơ quan thi hành án đã làm đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề thứ hai, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì chị Thủy cần làm đơn khởi kiện ra Tòa án và xuất trình các tài liệu, chứng cứ để chứng minh chị là chủ sử dụng hợp pháp của mảnh đất trên chứ không phải ông Cảnh, ví dụ như giấy biên nhận trả tiền mua đất, giấy cam kết của ông Cảnh đứng tên hộ…, để yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, giải quyết.

Nếu có căn cứ chứng minh mảnh đất trên đúng là của chị  thì Tòa án sẽ xem xét, giải quyết trả lại quyền lợi hợp pháp cho chị. Căn cứ vào bản án này, cơ quan thi hành án sẽ không tiến hành xử lý mảnh đất đã kê biên để thi hành nghĩa vụ trả nợ của chú chị nữa.

Những Điều luật liên quan:

1. Luật Thi hành án dân sự:

Điều 145. Quyền và nghĩa vụ của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại

1. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại;

b) Tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tạm ngừng việc thi hành án trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này, nếu xét thấy việc thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại.....

Điều 148. Thụ lý đơn khiếu nại

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 141 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo và nêu rõ lý do.

2. Thông tư liên tịch số 14/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, TANDTC và VKSNDTC hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Điều 6. Kê biên, xử lý tài sản để thi hành án

1. Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.

2. Thủ tục giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án theo khoản 4 Điều 179 Luật thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật, trường hợp có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án chỉ xử lý tài sản khi có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật...

Thiều Đông

Đọc thêm