Đặt phụ nữ nơi “trái tim” của phục hồi

(PLVN) -  Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), phụ nữ là một phần quan trọng trong kế hoạch phục hồi du lịch toàn cầu hậu COVID-19. Đó là lý do UNWTO kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp đẩy mạnh việc trao quyền cho nữ giới, đặt phụ nữ tại “trái tim” của các kế hoạch phục hồi du lịch.
UNWTO đánh giá phụ nữ là một phần quan trọng trong kế hoạch phục hồi du lịch hậu COVID-19.

Khi nữ quyền “bước vào” du lịch

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ - 8/3, có rất nhiều sự kiện dành cho phụ nữ diễn ra trên khắp châu Âu với chủ đề của năm nay là “Phá bỏ định kiến giới”, theo tờ Euronews. Điển hình tại Luân Đôn (Anh), tháng 3 được coi là Tháng Quốc tế Phụ nữ, do vậy không bất ngờ khi rất nhiều sự kiện lớn nhỏ đã, đang và sẽ diễn ra trên khắp thủ đô trong tháng này.

Đơn cử như, tour đi bộ thủ đô “Look Up London” có hướng dẫn viên kể lại những câu chuyện đầy cảm hứng của những người phụ nữ Luân Đôn diễn ra từ ngày 5-20/3, hay Lễ hội WOW Women of the World diễn ra tại Trung tâm Southbank từ ngày 11-13/3.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành du lịch là một trong những lĩnh vực đấu tranh mạnh mẽ nhất cho mục tiêu bình đẳng giới trong một thập kỷ gần đây. Theo thống kê, phần lớn lực lượng lao động du lịch trên toàn thế giới là nữ, chiếm 54%, khá cao so với tỷ lệ 39% nữ giới trong các nền kinh tế chung toàn cầu.

Nhiều chuyên gia du lịch đã khẳng định ngành công nghiệp không khói đã giúp thay đổi cuộc sống của rất nhiều người phụ nữ trên thế giới, góp phần giúp phụ nữ vượt qua rào cản giới tính, tiếp cận với sự độc lập về tài chính và xã hội, và cuối cùng là một tương lai tốt đẹp hơn.

Biểu hiện rõ thấy nhất là ngày càng có nhiều tour du lịch hướng về phụ nữ hơn, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trao quyền cho nhiều nữ lãnh đạo hơn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng ngày càng quan tâm đến tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của phái nữ với cả tư cách là du khách đối với các điểm đến.

Trong đó, các doanh nghiệp du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bình đẳng giới bên trong môi trường lao động của doanh nghiệp, cũng như tăng cường trải nghiệm của các nữ du khách. Một ví dụ điển hình có thể kể tới Tập đoàn Du lịch TTC – tập đoàn hơn 100 tuổi sở hữu trên 40 thương hiệu du lịch uy tín như Trafalgar, Contiki, Insight, Cullinan, Uniworld River Cruises, Red Carnation Hotels, Bouchard Finlayson Vineyards…, và hoạt động trên hơn 70 quốc gia với khoảng 10.000 nhân viên.

Mới đây, TTC đã công bố các chương trình trao quyền cho phụ nữ không chỉ tác động đến lực lượng lao động trong tập đoàn mà còn cả các cộng đồng, đối tác thông qua hoạt động kinh doanh du lịch và khách sạn trên toàn cầu.

Tập đoàn TTC đưa ra các chương trình khuyến khích phụ nữ trên hệ thống toàn cầu.

Đơn cử, thương hiệu lữ hành Trafalgar gần đây đã khởi động tour “Chuyến tham quan chỉ giành cho phụ nữ”, trong đó có các trải nghiệm đặc thù như giới thiệu nữ du khách đến với các doanh nghiệp địa phương do phụ nữ điều hành tại các điểm đến.

Một thương hiệu du lịch khác thuộc TTC là Insight Vacations cũng mới giới thiệu một tour du lịch chỉ do nữ giới phụ trách và hướng du khách tới gặp gỡ và giao lưu với những người phụ nữ thành đạt ở các điểm đến trên thế giới.

Kể từ năm 2015, tập đoàn TTC đã thiết lập chiến lược “How We Tread Right” để thực hiện cam kết của mình với Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (UNSDG) về bình đẳng giới. Hiện TTC đã đạt tỷ lệ nữ lãnh đạo trong tập đoàn là 50% và 56% lực lượng lao động của toàn hệ thống là nữ giới, theo bà Annaliesa Chapman, Phó Chủ tịch cấp cao về con người và văn hóa của tập đoàn.

“Phụ nữ có thể truyền cảm hứng và động viên lẫn nhau. Mục tiêu của chúng tôi là tôn vinh những thành công của phụ nữ trong cộng đồng của họ thông qua những buổi giao lưu và chia sẻ, dù cho đóng góp đó là nhỏ hay lớn,”, Chapman cho hay.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, tập đoàn TTC phát động sáng kiến I.D.E.A (Hòa nhập, Đa dạng, Bình đẳng và Hành động) nhằm tạo ra một “Vòng tròn Bản sắc Phụ nữ” để xây dựng một cộng đồng kết nối và hỗ trợ cho phụ nữ là nhân viên, đối tác, khách hàng của TTC ở vùng này. Việc gắn kết bình đẳng giới vào các kế hoạch nhân sự và kinh doanh giúp tập đoàn có thể xây dựng một môi trường lành mạnh và ủng hộ đối với nữ giới và duy trì sự cân bằng trong bộ máy điều hành và hoạt động.

Bà Chapman nói thêm rằng, rằng I.D.E.A có có sứ mệnh “giáo dục các nhà lãnh đạo nhận thức về các thành kiến vô thức, cách chúng tác động đến lực lượng lao động và thách thức hiện tại của phụ nữ tại nơi làm việc”.

Chương trình Cố vấn cho Phụ nữ của TTC cũng được chuẩn bị khởi động trong năm 2022. Chapman nhấn mạnh rằng trao quyền cho nữ lãnh đạo có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ tập đoàn.

“Chúng tôi nhận ra rằng niềm đam mê và tinh thần hợp tác của những người phụ nữ TTC là chìa khóa cho sự thành công bền lâu của tập đoàn. Những phẩm chất này ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai của các mối quan hệ đối tác toàn cầu của chúng tôi. Khi một doanh nghiệp tạo ra một môi trường đa dạng và toàn diện, xây dựng trên nền tảng công bằng, doanh nghiệp có thể tăng thêm uy tín, giữ chân được người tài giỏi và khách hàng, khuyến khích sự đổi mới và lợi nhuận”, Chapman giải thích.

Nhiều sự kiện dành riêng cho phụ nữ trong Tháng Phụ nữ ở Luân Đôn (Anh).

Hướng tới phục hồi du lịch hậu đại dịch

Theo chuyên gia du lịch Zina Bencheikh, cũng là giám đốc điều hành công ty du lịch Intrepid Travel (có trụ sở tại Úc) bày tỏ với Global Travel Media rằng “phụ nữ nên là trung tâm của sự phục hồi du lịch hậu COVID-19”. Theo kinh nghiệm của cô, trao quyền cho phụ nữ mang lại lợi ích cho nữ giới trong cộng đồng địa phương và chính khách du lịch cũng cảm thấy ý nghĩa với chuyến đi của mình khi có thể hỗ trợ phụ nữ ở những quốc gia mà họ đến thăm.

“Khi điều hành các hoạt động của Intrepid ở Bắc Phi và Trung Đông, tôi đã vận động nhiều phụ nữ tham gia làm du lịch với vai trò là hướng dẫn viên du lịch, nhà quản lý, nhà cung cấp,… Đối với nhiều người trong số họ, lần đầu tiên làm việc trong lĩnh vực du lịch đã mang lại cho họ một khoản thu nhập độc lập để trang trải cuộc sống”, Zina chia sẻ, “Đi du lịch với một hướng dẫn viên nữ là một cách tuyệt vời để tìm hiểu về một điểm đến với một góc nhìn mới”.

Một đối tác của cô là Bia, một người dân tộc Berber ở Bắc Phi đã ly hôn. Cô có thể tự kiếm tiền bằng cách kinh doanh homestay với ngôi nhà của mình. Một phụ nữ khác, Zineb, đã từ bỏ công việc dọn dẹp lương thấp và chuyển sang nấu các món ăn truyền thống phục vụ du khách tại ngôi nhà của cô. Với khoản thu nhập tốt hơn, con gái của Zineb đã có thể vào được đại học và sau này kiếm được việc tại ngân hàng. Một ví dụ tuyệt vời khác là Tawensa, một quán trà do phụ nữ điều hành ở Ma-rốc, đã cung cấp thu nhập cho hơn 40 phụ nữ địa phương để nuôi sống bản thân và con cái của họ.

Quán trà Tawensado tại Ma-rốc đã tạo việc làm cho hơn 40 phụ nữ bản địa.

Theo một nghiên cứu của UNWTO, phụ nữ mất việc nhiều hơn so với mùa dịch so với nam giới. Bên cạnh đó, vì họ có xu hướng làm các công việc có kỹ năng chuyên môn thấp hơn hoặc không chính thức nên cũng được trả lương thấp hơn. Do đó, khả năng phụ nữ tiếp cận với sự hỗ trợ của chính phủ và chống chọi với “cú sốc kinh tế” của đại dịch cũng hạn chế hơn so với nam giới. Chính vì thế, UNWTO khẳng định rằng, khi du lịch thế giới mở cửa trở lại, chúng ta cần đặt bình đẳng giới vào trọng tâm của quá trình phục hồi du lịch.

Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili mới đây đưa ra nhận định: “Việc tái khởi động du lịch phải đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Điều đó nhằm duy trì nỗ lực đấu tranh cho bình đẳng giới trong nhiều năm nay của ngành du lịch toàn cầu”.

Đầu tháng 3, UNWTO đã xuất bản Bộ hướng dẫn về trao quyền phụ nữ trong các kế hoạch phục hồi du lịch của các quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Bộ hướng dẫn này cung cấp các công cụ, giải pháp, lộ trình giúp các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức phát huy khả năng và cơ hội của phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi du lịch hậu đại dịch, thông qua việc xây dựng các chính sách, chiến lược và chương trình hiệu quả về bình đẳng giới trong hoạt động du lịch.

Đọc thêm