Đất rừng cán bộ thâu tóm khó lấy lại

Nhiều bà con nhân dân xã Châu Hạnh và Châu Hội, thuộc  huyện miền núi Qùy Châu (Nghệ An) cáo buộc, trong khi diện tích đất sản xuất của họ đang thiếu, cuộc sống khó khăn thì một số “quan chức” lại  công nhiên thâu tóm đất rừng chỉ để đầu cơ. Sự việc vỡ lỡ,  UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Qùy Châu thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 18 lô đất rừng đã giao không đúng đối tượng. Tuy nhiên, đến nay tư liệu sản xuất của bà con vẫn chưa được trả lại.

Nhiều bà con nhân dân xã Châu Hạnh và Châu Hội, thuộc huyện miền núi Qùy Châu (Nghệ An) cáo buộc, trong khi diện tích đất sản xuất của họ đang thiếu, cuộc sống khó khăn thì một số “quan chức” lại  công nhiên thâu tóm đất rừng chỉ để đầu cơ. Sự việc vỡ lỡ,  UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Qùy Châu thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 18 lô đất rừng đã giao không đúng đối tượng. Tuy nhiên, đến nay tư liệu sản xuất của bà con vẫn chưa được trả lại.

Đời sống người dân địa phương còn hết sức khó khăn.
Đời sống người dân địa phương còn hết sức khó khăn.

“Nước chảy chỗ trũng”

Tài liệu của  phóng viên cho thấy nhiều sai phạm của UBND huyện Quỳ Châu trong quá trình giao đất, giao rừng tại khu vực Khe Bấn (thuộc xã Châu Hội và Châu Hạnh). Cụ thể, ngày 17/7/2006, UBND tỉnh Nghệ An đã lập đoàn thanh tra về việc giao đất, giao rừng tại địa phương này. Ngày 23/3/2007, UBND tỉnh Nghệ An có kết luận về vấn đề trên.

Theo kết luận của tỉnh Nghệ An, UBND huyện Quỳ Châu đã giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lâm nghiệp cho 18 hộ phi nông nghiệp, không cư trú tại địa phương, và hầu hết trong số đó là cán bộ lãnh đạo huyện Qùy Châu lúc bấy giờ và có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Quỳ Châu. Những vị này, đều không thuộc diện được giao đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Quỳ Châu “tiến hành thu hồi 18 lô đất trên và đưa vào quỹ đất lâm nghiệp để giao cho các hộ dân, cá nhân có nhu cầu hoặc cho thuê, đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện và UBND các xã liên quan chịu trách nhiệm về những hậu quả kinh tế phát sinh”...

Ngày 29/6/2007, UBND huyện Quỳ Châu đã ban hành 2 quyết định số 597 và 598/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và huỷ Giấy chứng nhận QSDĐ của 18 trường hợp trên. Quyết định nêu rõ: “Thu hồi 473.207m2 đất và huỷ bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ của 10 hộ gia đình, cá nhân được giao đất rừng tại xã Châu Hạnh; Thu hồi 995.661m2 đất và huỷ Giấy chứng nhận QSDĐ của 8 gia đình, cá nhân tại xã Châu Hội. Đồng thời, giao cho UBND xã Châu Hạnh và Châu Hội quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thu hồi, thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật. Tiến hành lập phương án giao đất, cho thuê đất đối với các gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua kể từ khi 2 quyết định trên được ban hành,  đến nay trong số 18 trường “phi nông nghiệp” bị thu hồi mới chỉ có  hai trường hợp ở xã Châu Hội bàn giao. Ông Trần Quyết (75 tuổi, trú bản Hạnh Tiến) nói:  “Bản có 114 hộ dân, trong đó có hơn 50 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Bà con sống chủ yếu dựa vào rừng, vì diện tích đất nông nghiệp quá ít.  Chúng tôi đã kêu gần chục năm nay rồi nhưng đến nay sự việc vẫn còn dẫm chân tại chỗ. Người nông dân nghèo có nhu cầu thì không có đất để trồng rừng, trong khi đó một số quan chức huyện không thuộc diện thì lại được giao”.  

Chính quyền bất lực

Ông Nguyễn Sỹ Luận, Phó chủ tịch UBND xã Châu Hội thừa nhận, việc thu hồi đất rừng ở Khe Bấn gặp không ít khó khăn: “Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu UBND huyện Qùy Châu ra quyết định thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ của 18 hộ nói trên (trong đó có 8 hộ thuộc đất của xã Châu Hội) nhưng rất khó lấy. Các ông, bà chủ rừng đó số từng là lãnh đạo huyện (nay một số đã về hưu), số còn lại đang là lãnh đạo phòng nọ, ban kia của huyện Qùy Châu. Chúng tôi mời họ xuống UBND xã Châu Hội để giải quyết vấn đề nhưng không ai thèm xuống. Hơn nữa, việc giải quyết đền bù tài sản trên đất xã lấy đâu mà đền, hoặc dân ở đây chủ yếu là nghèo mới có nhu cầu lấy đất rừng để sản xuất, nhưng muốn lấy đất thì phải đền bù”...

Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND huyện Qùy Châu cho hay: “Sự việc do lịch sử để lại, tôi mới lên làm chủ tịch. Tuy nhiên, qua thông tin nắm được thì việc giao đất rừng theo theo Nghị định 163 trước đây của huyện Qùy Châu là sai. UBND huyện đã có quyết định thu hồi, hủy Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng để các chủ rừng bàn giao lại cho nhà nước đang gặp không ít khó khăn”.

Được biết, ngày 10/8/2011, UBND huyện Quỳ Châu đã ra Thông báo số 88/TB-UBND cấm các chủ rừng sau khi thu hoạch rừng trồng không được triển khai phát dọn thực bì và trồng mới. Huyện cũng một lần nữa đề nghị bàn giao đất nhưng một số chủ rừng vẫn chưa bàn giao. Bên cạnh đó, huyện Qùy Châu cũng đã họp lên họp xuống về vấn đề này nhưng chưa có giải pháp.

Trong khi UBND huyện Qùy Châu chưa tiến hành thu hồi được đất thì một số chủ rừng sau khi thu hoạch xong một phần diện tích đã tiếp tục trồng thêm lứa keo mới, một số hộ khác ở hai bên cầu Khe Bấn thì chuyển sang trồng sắn rồi trồng keo lai xen lẫn trong sắn. Như vậy, nguyện vọng chính đáng của người dân là được chính quyền giao đất lâm nghiệp để ổn định sản xuất cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hiện tại, đất vẫn đang ở trong tay các “cựu quan chức” và một số cán bộ huyện đang đương chức.

Trường Lưu - Phan Sáng

Đọc thêm