-Về công tác hệ thống hóa văn bản QPPL, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã hoàn thành việc thực hiện hệ thống hóa kỳ 3 (2019-2023) thống nhất trong cả nước. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ thứ ba này?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện trên hai nội dung: (1) Việc tổ chức thực hiện và (2) Kết quả hệ thống hóa văn bản.
Trước hết, về việc tổ chức thực hiện, phải nói rằng, việc tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ thứ ba này đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương thực hiện rất chủ động, khoa học, bài bản. Theo đó, từ cuối năm 2022 và trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã chủ động có các văn bản để lưu ý, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ này, đồng thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai rà soát, hệ thống hóa văn bản, công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023 thuộc trách nhiệm của cơ quan, địa phương mình theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, có 20 bộ, cơ quan ở Trung ương, 63/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) đã ban hành Kế hoạch hệ thống hóa văn bản QPPL. Nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL cũng đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai đến cấp huyện, cấp xã. Riêng Bộ Tư pháp, tại Kế hoạch triển khai thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023 tại Bộ Tư pháp (kèm theo Quyết định số 65/QĐ-BTP ngày 19/01/2023), Bộ Tư pháp ngoài việc xác định cụ thể nội dung công việc để thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023 thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thì Bộ Tư pháp đã xác định cụ thể các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, UBND các cấp đã quan tâm chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL. Qua tổng hợp của Bộ Tư pháp, đã có 24 bộ, cơ quan ở Trung ương (gồm 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ (đạt 100%), Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 63/63 UBND cấp tỉnh (đạt 100%) công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL). Việc công bố văn bản QPPL của UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã được đa số các cơ quan thực hiện.
Kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ thứ ba thống nhất trong cả nước (kỳ 2019 -2023) đã được Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về kết quả hệ thống hóa văn bản, về cơ bản, kết quả hệ thống hóa văn bản đã được các quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện và công bố bảo đảm quy định pháp luật.
Tại Trung ương, ngoài kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tóa án nhân dân tối cao như kỳ hệ thống hóa trước đó, các cơ quan của Quốc hội (như: Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại) cũng có thông tin về các văn bản QPPL của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội không do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trình. Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương đã công bố: 8.489 văn bản còn hiệu lực; (trong đó có 169 văn bản quy hạm pháp luật được ban hành chỉ có nội dung bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác), 4019 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 1.724 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; 760 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Tại cấp tỉnh, các cơ quan đã công bố: 32.251 văn bản còn hiệu lực (trong đó có 2.905 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chỉ có nội dung bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác), bao gồm: 10.139 văn bản của HĐND và 22.112 văn bản của UBND; 16.205 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ (bao gồm: 4.217 văn bản của HĐND; 11.988 văn bản của UBND); 3.177 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần (bao gồm: 1.053 văn bản của HĐND; 2.124 văn bản của UBND); 4.755 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới (bao gồm: 1.303 văn bản của HĐND; 3.452 văn bản của UBND).
Tại cấp huyện, các cơ quan đã công bố: 11.174 văn bản còn hiệu lực (trong đó có 1.196 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chỉ có nội dung bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác), bao gồm: 1.412 văn bản của HĐND và 9.762 văn bản của UBND; 10.457 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ (bao gồm: 3.038 văn bản của HĐND; 7.419 văn bản của UBND); 197 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần (bao gồm: 39 văn bản của HĐND; 158 văn bản của UBND); 1.087 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới (bao gồm: 187 văn bản của HĐND; 900 văn bản của UBND).
Tại cấp xã, các cơ quan đã công bố: 5.043 văn bản còn hiệu lực (trong đó có 445 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chỉ có nội dung bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác), bao gồm: 1.941 văn bản của HĐND và 3.102 văn bản của UBND; 9.495 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ (bao gồm: 7.621 văn bản của HĐND; 1.874 văn bản của UBND); 56 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần (bao gồm: 20 văn bản của HĐND; 36 văn bản của UBND); 236 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới (bao gồm: 161 văn bản của HĐND; 75 văn bản của UBND).
Để có được kết quả nói trên cho thấy các cơ quan đã có nhiều nỗ lực, nhận thức được đầy đủ hơn ý nghĩa quan trọng của công tác hệ thống hóa văn bản, thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch hệ thống hóa văn bản theo quy định, quan tâm hơn trong việc bố trí nhân lực, kinh phí, các điều kiện bảo đảm khác phục vụ cho hoạt động hệ thống hóa văn bản. Việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản đã được các cơ quan thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn hơn so với 02 kỳ hệ thống hóa văn trước đó. Hầu hết các bộ, ngành địa phương đã thực hiện đăng tải kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, một số cơ quan, địa phương đã thực hiện việc in ấn, phát hành tập hệ thống hóa quy phạm pháp luật để các cơ quan, đơn vị có liên quan có thể tra cứu, thực hiện pháp luật được thuận lợi. Qua thông tin báo cáo, đánh giá của các bộ, ngành, địa phương về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hệ thống hóa cho thấy, các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ về trình tự, thủ tục, thể thức ban hành văn bản; nội dung của các văn bản khi xây dựng được chú trọng để bảo đảm không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật đã không còn được áp dụng trên thực tế để bảo đảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 -2023 như: Một số cơ quan ở Trung ương, địa phương chưa bảo đảm thời hạn công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo, thông tin về kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã ảnh hưởng đến việc tổng hợp kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chung của cả nước; việc xác định và tập hợp đầy đủ các văn bản phục vụ hệ thống hóa vẫn gặp nhiều khó khăn; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong triển khai hệ thống hóa văn bản;…
- Về công tác pháp điển, xin Thứ trưởng chia sẻ đôi nét về Bộ pháp điển Việt Nam? Bộ Tư pháp và các bộ, ngành sẽ thực hiện những giải pháp gì để bảo đảm Bộ pháp điển phát huy giá trị hiệu quả trong đời sống xã hội và là địa chỉ tra cứu pháp luật chính thống, đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Nhằm quán triệt, thể chế hóa các chủ trương, định hướng và yêu cầu của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam. Bộ pháp điển Việt Nam là tập hợp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, được sắp xếp logic, thống nhất, điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định dưới hình thức là các chủ đề, đề mục thuộc Bộ pháp điển. Ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển với mục tiêu đặt ra là hoàn thành việc xây dựng Bộ pháp điển trong 10 năm. Trải qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự quyết tâm của Bộ Tư pháp, sự chủ động, nỗ lực của các bộ, ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với Bộ Tư pháp, đến nay, Bộ pháp điển đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đề ra. Sau 10 năm triển khai xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển, ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 143/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”, đưa công tác pháp điển sang một chặng đường mới với những yêu cầu, mục tiêu mới.
Bộ pháp điển Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn), là sản phẩm chính thức của Nhà nước, do các bộ, ngành thực hiện, giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và được khai thác, sử dụng miễn phí. Bộ pháp điển là một trong những công cụ nâng cao tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần thực hiện yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Bộ pháp điển, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã chủ động triển khai, thực hiện những giải pháp để đưa Bộ pháp điển đến với xã hội. Trong giai đoạn đầu, bên cạnh vừa triển khai thực hiện công tác xây dựng Bộ pháp điển, vừa làm vừa đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng Bộ pháp điển, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã thực hiện việc phổ biến Bộ pháp điển có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hướng đến những nhóm người làm việc trong lĩnh vực pháp luật, thường xuyên nghiên cứu, khai thác, sử dụng pháp luật như các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; giới luật sư, những người hoạt động nghiên cứu pháp luật; những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các giảng viên, sinh viên của các Trường đại học … Hiện nay, bước đầu, Bộ pháp điển đã được xã hội ghi nhận và khai thác, sử dụng.
Đồng thời, trên cơ sở Bộ pháp điển dần được hoàn thiện, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-TTg vào đầu năm 2024 như đã nêu trên. Đề án 143 đã nêu rất rõ các mục tiêu, bên cạnh việc khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập hiện nay của Bộ pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển gắn với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ pháp điển cần được phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng bằng nhiều phương thức, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu 80% công chức các bộ, ngành, địa phương được phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, có 50.000 lượt truy cập Bộ pháp điển mỗi ngày và phấn đấu 100% các bộ, ngành và địa phương đều có báo cáo viên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển tại cơ quan, địa phương mình.
- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản nói riêng và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản nói chung trong thời gian tới; cũng như để Bộ pháp điển được nâng cao chất lượng, phát huy giá trị, xin Thứ trưởng cho biết định hướng và các công việc cần tập trung thực hiện của hai công tác này trong thời gian tới?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản nói riêng và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản nói chung trong thời gian tới; cũng như để Bộ pháp điển được nâng cao chất lượng, phát huy giá trị, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số công việc sau:
Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hệ thống hóa văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL để tăng cường ý thức trách nhiệm của các cơ quan trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh công tác rà soát thường xuyên tại các bộ, ngành, địa phương để kịp thời thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật; định kỳ thực hiện hệ thống hóa văn bản đúng quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc quản lý, xây dựng, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Hai là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kinh phí phục vụ triển khai hiệu quả các công tác này; tiếp tục tập trung nguồn lực để tham mưu, giúp Chính phủ trong việc cập nhật, quản lý, duy trì Bộ pháp điển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có giải pháp số hoá đối với Bộ pháp điển; đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp tục phát huy các cách làm mới, đa dạng, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.
Ba là, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL để tăng cường hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả thực hiện của nhiệm vụ này trong thời gian tới, trong đó cần lưu ý đến việc quản lý đầy đủ toàn bộ hệ thống văn bản QPPL cũng như hiệu lực thi hành của các văn bản.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương thực hiện trách nhiệm, hiệu quả việc đăng tải đầy đủ, kịp thời, cập nhật chính xác tình trạng hiệu lực của văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Bộ Tư pháp sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản pháp luật “đúng, đủ, sạch, sống” vận hành liên tục, ổn định, không chỉ phục vụ việc tra cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch hệ thống pháp luật mà còn là cơ sở để triển khai hiệu quả các công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và nhiều công tác khác của ngành Tư pháp từ xây dựng, hoàn thiện đến thực thi, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.