Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 6h ngày 9/11 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 75,60 USD/thùng, tăng 0,27 USD/thùng tương đương tăng 0,36%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 79,54 USD/thùng, giảm 2,07 USD/thùng tương đương giảm 2,54%.
Lo ngại nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc đã đẩy giá dầu trượt dài thêm hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng.
Các nhà phân tích Warren Patterson và Ewa Manthey của ING nhận xét thị trường dầu đang biến động với “ít lo ngại hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông” mà thay vào đó tập trung vào việc nới lỏng cán cân cung-cầu.
Cũng gây áp lực lên giá là lượng tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng sốc gần 12 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/11, gấp gần 9 lần so với mức tồn kho của tuần trước đó (1,347 triệu thùng), theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ. Nếu được xác nhận thì đây sẽ là mức tăng tồn kho dầu lớn nhất kể từ tháng 2. Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã lùi thời gian công bố dữ liệu tồn kho dầu hằng tuần (thứ 4) sang ngày 15/11 để hoàn tất quá trình nâng cấp hệ thống.
Ngày 8/11, EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng ít hơn so với dự kiến nhưng mức tiêu thụ xăng sẽ giảm 300.000 thùng/ngày, đảo ngược dự báo trước đó về mức tăng 100.000 thùng/ngày.
Dữ liệu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho thấy tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này giảm nhanh hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng.
Tại khu vực đồng euro, dữ liệu về doanh số bán lẻ giảm cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng yếu và nguy cơ suy thoái.
Trái với số liệu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, nhập khẩu dầu thô trong tháng 10 của Trung Quốc cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay (khoảng 5%).
Về phía cung, các nhà phân tích từ Goldman Sachs ước tính xuất khẩu ròng dầu bằng đường biển của 6 quốc gia thuộc OPEC sẽ chỉ thấp hơn 600.000 thùng/ngày so với mức tháng 4. OPEC đã công bố cắt giảm sản lượng lên tới 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4 năm nay.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/11 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng còn giá dầu giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 250 đồng/lít, giá bán là 22.610 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, giá bán lên 23.920 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 540 đồng/lít, giá bán là 21.940 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hỏa giảm 450 đồng/lít, xuống mức 22.300 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 31 lần điều chỉnh, trong đó có 19 lần tăng, 9 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.