Đau đớn cảnh đời người mẹ mù lòa gần 60 năm nuôi con bại não

Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Đắp vẫn canh cánh một nỗi lo về đứa con dị tật của mình. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, người mẹ ấy vẫn chưa một lần được nghe con trai gọi một tiếng mẹ.  “Nhiều khi nghĩ quẩn tôi còn mong nó chết trước tôi, tôi sợ tôi mà đi trước thì nó biết trông cậy vào ai bây giờ?”. Đó là lời tâm sự thấm đẫm nước mắt của cụ Nguyễn Thị Đắp, xóm Đình, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

[links()] Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Đắp vẫn canh cánh một nỗi lo về đứa con dị tật của mình. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, người mẹ ấy vẫn chưa một lần được nghe con trai gọi một tiếng mẹ. “Nhiều khi nghĩ quẩn tôi còn mong nó chết trước tôi, tôi sợ tôi mà đi trước thì nó biết trông cậy vào ai bây giờ?”. Đó là lời tâm sự thấm đẫm nước mắt của cụ Nguyễn Thị Đắp, xóm Đình, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Nỗi đau của phận đời bất hạnh
Cái nắng nóng đầu hè hầm hập cũng không xóa đi được mùi ẩm mốc trong gian buồng chật hẹp, ở nơi đó có hai cảnh đời bất hạnh đang sống lay lắt. Nghe có tiếng bước chân người lạ, cụ Đắp cố mò mẫm trong ngôi nhà tối tăm bước ra ngoài. Những vết nhăn chằng chịt in hằn lên gương mặt khắc khổ với màu da nhợt nhạt. Cũng rất lâu rồi cụ không thể nhìn thấy ánh mặt trời. Cụ ngồi ở cửa gian buồng rồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy nhọc nhằn của mình.  
Hai mẹ con cụ Đắp
Hai mẹ con cụ Đắp
Cụ Đắp sinh năm 1917, tại Kim Bảng, Hà Nam, 17 tuổi cụ lấy chồng là một người ở cùng xã rồi sinh hạ được ba người con. Hai vợ chồng cụ dù nghèo nhưng vẫn làm đủ việc để nuôi con, dù thế trong căn nhà nhỏ ấy luôn đầy ắp tiếng cười. Được 18 tuổi, anh Bản, con trai thứ hai của cụ xin nhập ngũ và vào chiến trường Quảng Trị.
“ Lúc đầu nó đi, chịu khó viết thư về cho nhà. Nó kể ở trong này vui lắm, nó và đồng đội bắn rơi nhiều máy bay địch, làm gục ngã nhiều quân thù nhưng rồi bẵng đi một thời gian tôi không nhận được tin tức gì của nó nữa cho đến ngày người ta gửi cho tôi giấy báo tử của nó ” - cụ Đắp ngậm ngùi kể lại.
Không lâu sau, khi anh con trai út Nguyễn Văn Hậu ra đời lại mắc căn bệnh bại não và liệt toàn thân. Vợ chồng cụ đã đưa con chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm, của cải trong nhà cũng vì thế mà cạn kiệt dần. Rồi đến ngày, cụ ông cũng mắc bệnh, bỏ lại cụ một mình chăm lo cho đứa con tật nguyền.
Anh Hậu nay đã 55 tuổi nhưng vẫn chỉ như đứa trẻ lên 3, từ khi đẻ ra đến giờ chỉ biết nằm yên một chỗ, tay chân ngày một teo tóp lại, thỉnh thoảng thấy người lạ lại ú ớ lên vài tiếng. Đã mấy chục năm trôi qua, cụ Đắp ngày qua ngày vẫn tự tay bón từng miếng cơm rồi tắm rửa cho đứa con trai tật nguyền. Mọi gánh nặng đè lên trên đôi vai của người mẹ bất hạnh này.
Cần lắm những tấm lòng sẻ chia
Ngày trước khi còn đủ sức khỏe, không quản là ngày nắng hay ngày mưa, cụ Đắp đều vất vả khó nhọc mọi nơi tìm việc làm để kiếm tiền nuôi đứa con thơ dại. Cụ bảo: “Thời gian gần đây sức khỏe suy giảm, rồi hai mắt bị mù, những khi trái nắng trở trời căn bệnh thấp khớp lại hành hạ  nên không thể làm gì được mà giờ cũng chẳng ai dám thuê tôi làm việc nữa”.
Có hôm, cả hai mẹ con đều bị ốm, không biết làm gì đành ôm con khóc cho hết ngày, chỉ mong sang ngày mới mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. 
Đứa con này của cụ đã hơn 50 năm chưa một lần biết gọi tiếng mẹ!
Đứa con này của cụ đã hơn 50 năm chưa một lần biết gọi tiếng mẹ!
Thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con cụ, thỉnh thoảng những người hàng xóm tốt bụng cũng mang biếu cụ khi là bát gạo, khi thì cân đường hộp sữa. Nhưng, phần lớn cuộc sống của mẹ con cụ đều trông cả vào tiền trợ cấp mẹ liệt sỹ và tiền trợ cấp người cao tuổi. “Tôi cũng chỉ mong tôi sống được đến ngày nó đi…”.
Cách đây vài năm, căn nhà của cụ cũng mới được chính quyền xã sửa lại để mong cụ sống những ngày cuối đời bớt khổ đau hơn.
Ra về chúng tôi mà không khỏi bị ám ảnh trước ánh mắt nhạt nhòa của cụ Đắp, và thân hình co cắp của anh Hậu. Rất mong những tấm lòng hảo tâm sẽ chia sẻ với hai mẹ con cụ già tội nghiệp này! 
Bích Thảo

Đọc thêm