Đấu giá rượu vang trực tuyến: Xu hướng lên ngôi hậu COVID-19

(PLVN) - Đấu giá rượu vang trực tuyến vốn không lạ lẫm gì đối với giới sành rượu vang trên thế giới để tìm kiếm những chai rượu vang quý hiếm không có tại địa phương nơi họ sống. Đặc biệt, sau dịch bệnh, trào lưu này càng nở rộ hơn.

Theo nền tảng trực tuyến quốc tế IDealwine, đã hoạt động trong lĩnh vực này khoảng 22 năm, sau dịch, khách hàng từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc tăng cao. IDealwine nổi tiếng cung cấp nhiều chai rượu quý hiếm, được những nhà sưu tầm vang "săn lùng".

Sau dịch nhiều nhà sưu tầm rượu vang đã sử dụng các nền tảng trực tuyến nhiều hơn

Thông thường, những chai rượu quý sẽ được đấu giá để tìm ra chủ nhân phù hợp. Năm 2021, doanh số bán đấu giá trực tuyến lên tới 27,4 triệu euro (gần 700 nghìn tỷ đồng). Người mua đến từ 60 quốc gia và mua được 190.614 chai.

Đặc biệt, rượu vang truyền thống lại không phải mặt hàng phổ biến nhất trên nền tảng này, 60% doanh số của IDealwine để từ rượu hữu cơ, rượu sinh học hoặc rượu tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thị trường rượu vang toàn cầu đang chuyển dịch theo xu hướng này mà trên thực tế đây là sở thích, thị hiếu của một bộ phận nhà sưu tập rượu vang trên IDealwine.

IDealwine là nền tảng đã có hơn 22 năm kinh nghiệm trong ngành

Trong khi đó, nhiều nhà sưu tập lại ưu tiên tìm kiếm những loại vang không thể tìm thấy tại quốc gia, vùng lãnh thổ của họ. Lấy ví dụ như Đài Loan, ước tính có khoảng 64% rượu vang mà người tiêu dùng mua ở nơi này được dán nhãn là rượu sinh học. Do vậy, hệ thống iDealwine dự đoán khách hàng đến từ Đài Loan sẽ lựa chọn các loại rượu hữu cơ nhiều hơn.

Ở Vương quốc Anh và Trung Quốc, khách hàng có sở thích mua rượu vang tại các cuộc đấu giá từ một vườn trồng nho thân thiện với môi trường hơn. Ở hai quốc gia này, chỉ 27% số chai được mua là rượu vang thông thường.

Các loại rượu quý, hiếm, lạ chiếm phần lớn trong các cuộc đấu giá "xuyên biên giới"

Tuy nhiên theo iDealwine, thói quen mua hàng của hai thị trường khách hàng này lại tương đối khác nhau. Nếu như khách hàng Anh thường đặc trưng bởi những lựa chọn rất chiết trung thì khách hàng Trung Quốc lại đa dạng hơn. Việc khách hàng Trung Quốc ít chọn những loại vang thông thường trên nền tảng trực tuyến được cho là bởi thị trường nội địa đã cung cấp đầy đủ các loại rượu vang thông thường cho những người sưu tầm, thưởng thức rượu.

Mặt khác, những người mua từ Luxembourg, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Hà Lan, Bồ Đào Nha, Estonia, Ba Lan vẫn dành chủ yếu lựa chọn của họ trong việc đấu giá những loại rượu vang truyền thống.

Đấu giá rượu vang trực tuyến được xem là xu hướng lên ngôi hậu dịch - mô hình này có thể kết hợp trực tiếp từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng

Ngoài yêu cầu về loại hình trồng nho, sở thích của khách hàng đối với các vùng trồng nho cụ thể cũng là một yếu tố quan trọng. Đơn cử, trong khi người Đan Mạch yêu thích rượu Bordeaux (chiếm 40% thị phần), cũng như cư dân Singapore (chiếm 60% thị phần), thì người mua Nhật Bản lại "nâng ly" đối với những chai rượu Burgundy (chiếm 50% thị phần). Người mua ở Nhật Bản cũng xác nhận rằng họ cực kỳ yêu thích rượu sâm-panh, do đó, tỷ lệ các chai sâm-panhđược bán với người mua nước này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.