Dấu hiệu cố ý làm trái trong gói thầu số 6, đường cao tốc HCM – Long Thành – Dầu Giây

(PLO) -Thay vì lấy đất tại mỏ để phục vụ dự án, Công ty TNHH Hanshin E&C ngang nhiên “múc” hàng triệu m3 đất nông nghiệp để “lòe” chủ đầu tư.
Mặt bằng đất nông nghiệp bị phá huỷ tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai
Mặt bằng đất nông nghiệp bị phá huỷ tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai

Gói thầu số 6 đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được chủ đầu là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) ký hợp đồng thi công với nhà thầu chính là Công ty TNHH Hanshin E&C - Hàn Quốc tại hợp đồng số 29/HĐXD – VEC/2010.

Chiều dài gói thầu 17,182 km ( từ Km37+800 đến Km54+983, qua 2 xã Sông Nhạn và Xuân Quế của huyện Cẩm Mỹ và xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất – Tỉnh Đồng Nai.

Với giá trị hợp đồng đã bao gồm 20% dự phòng phí và các loại thuế, phí theo quy định là: 1.139.882.300.711đ.

Trong đó có khối lượng đất cần thiết để đắp đạt tiêu chuẩn K=95 và K=98 cho các hạng mục đường đạt tiêu chuẩn quốc tế là gần 958.000m3; khối lượng rời cần vận chuyển từ mỏ về đắp là gần 1.200.000m3. Với khối lượng đất nhiều như vậy, nhà thầu chính sẽ lấy từ mỏ nào?

Nhà thầu chính Công ty TNHH Hanshin E&C cần có 1.200.000m3 đất sạn sỏi ở thể rời để đắp đủ cho gói thầu số 06 thì nhà thầu chính phải lập đủ các thủ tục theo trình tự pháp luật về khai thác mỏ đất, để hoàn thiện thủ tục được cấp một mỏ đất tại tỉnh Đồng Nai.

Để đảm bảo đúng quy hoạch, cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện theo luật định, cũng như về mặt thời gian và kinh phí.

Trong khi đó, chi phí nhà thầu chính không thể đáp ứng được.

Mặt khác, nhà thầu chính biết rất rõ những điều ràng buộc của chủ đầu tư trong hồ sơ đấu thầu “phải sử dụng vật liệu thích hợp lấy từ mỏ vật liệu để thi công các hạng mục đắp bù, lớp đáy móng; vai đường; đường bao và các phần việc khác của công tác đắp như được chỉ ra trong văn bản hoặc theo chỉ dẫn của tư vấn giám sát (TVGS).

Ngoài ra, nhà thầu tuyệt nhiên phải tuân thủ “chỉ được lấy từ các mỏ, các nguồn đã được chấp thuận”.

Điều bắt buộc của chủ đầu tư (VEC), nhà thầu chính cần chịu trách nhiệm bảo đảm rằng, các mỏ đất có đầy đủ giấy phép phê duyệt của cơ quan chức năng cho việc hoạt động và khai thác mỏ.

Với những quy định khá chặt chẽ của VEC trong hồ sơ thầu thì nhà thầu chính là Công ty TNHH Hanshin E&C không thể thực hiện được.

Do vậy, để có khối lượng đất 1.200.000m3 cần vận chuyển để đắp, Công ty TNHH Hanshin E&C phải đưa ra các chiêu trò nào là: Đền bù cây trái, hoa màu...hiện trạng đã trồng và cho thu hoạch.

Để có được khối lượng đất nói trên, nhà thầu chính đã “giở chiêu trò” bằng việc hứa với người dân từ lời nói, đến giấy trắng mực đen, nhằm lấy đất nông nghiệp có lẫn sạn sỏi bằng cách “hạ cốt đất” để đào đất mang đi.

Khi xe chở về, nhà thầu chính sẽ chở đất phong hoá từ mặt bằng đường trả về cho dân, khi được hoàn thổ để dân canh tác.

Tuy nhiên, đến nay gần 4 năm trôi qua, Công ty TNHH Hanshin E&C không mang đất hoàn trả trở lại như cam kết ban đầu.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên, ông N-V-T trú tại ấp 1, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ chỉ cho phóng viên xem diện tích hơn 40.000m2 đào sâu đến 7-8m và bà H-T-L tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất có hố sâu 4-5m diện tích hơn 3.000m2.

Theo ghi nhận của phóng viên, hậu quả để lại sau khi nhà thầu khai thác đất phục vụ dự án, là những vách đào dựng đứng, có hố vách đất đào thành hàm ếch rất nguy hiểm, làm sạt lở lối ngõ đi chung của các hộ dân.

Có nhiều hố đào thành chỗ chứa rác và nước bẩn bất đắc dĩ, có diện tích bị đào không có rãnh thoát nước nên khi mưa xuống, nước chảy tự do rất lớn làm xói mòn và sạt lở vật liệu xuống các diện tích lân cận.

Những đoạn đường thôn ấp có đoạn lún sụt, phá huỷ kết cấu mặt đường, cống thoát nước trong lô cao su bị phá hỏng hoặc dịch chuyển tấm bê tông cống, miệng xả của cống.

Như vậy, nhà thầu chính là Công ty TNHH Hanshin E&C đã cố tình huỷ hoại đất nông nghiệp làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích ban đầu đã được xác định trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người dân đã được nhà nước cấp.

Vì nếu lấy từ các mỏ cố định đã được UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch thì cự ly vận chuyển trung bình về các điểm cần đắp cũng phải từ 12km đến 30km.

Theo thông báo giá vật liệu liên sở Tài chính - Sở xây dựng của tỉnh Đồng Nai tại thời điểm tháng 2/2011, đất sạn sỏi bán tại mỏ giao trên phương tiện của bên mua là 66.000đ/m3.

Nhà thầu chính Công ty TNHH Hanshin E&C nếu mua đủ 1.200.000m3 thì số tiền phải bỏ ra không dưới 75 tỷ đồng để có được loại đất gần đạt tiêu chuẩn như yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công và chỉ dẫn bắt buộc nêu ra trong hồ sơ kỹ thuật của chủ đầu tư (VEC).

Để bớt đi cự ly vận chuyển và “đẽo” lại tiền mua đất, Công ty TNHH Hanshin E&C chỉ trả cho dân về đền bù hoa màu và phần rất nhỏ về chất lượng đất từ 12.000đ đến 18.000đ/m3.

Như vậy đơn giá chênh lệch từ 66.000đ - 12.000đ = 54.000đ /m3

Chênh lệch bình quân so với mua tại mỏ của 1.200.000m3 là số tiền siêu lợi nhuận: 61.000.000.000đ (sáu mươi mốt tỷ đồng).

Công ty TNHH Hanshin E&C đã cố tình huỷ hoại đất nông nghiệp làm biến dạng địa hình?
Công ty TNHH Hanshin E&C đã cố tình huỷ hoại đất nông nghiệp làm biến dạng địa hình? 

Ông N-V-T và bà H-T-L có diện tích đất bị xâm hại bức xúc: Bây giờ nếu muốn lấp hoàn thổ lại 50% tức 600.000m3 của hơn 30 ha thuộc các xã mà gói thầu đi qua để có thể canh tác trở lại thì phải mua đất nơi khác về đắp cũng phải bỏ ra tổng chi phí là: 45.000đ/m3 (bao gồm thuê máy ủi 7.000đ/m3, tiền mua đất 23.000đ/m3, tiền vận tải 15.000đ).

Như vậy, số tiền cần thiết mà người dân phải bỏ ra gần 27 tỷ đồng. Người dân bị đào đất mang đi và không được hoàn thổ trở lại lấy đâu ra tiền khi phải gánh thiệt hại khủng khiếp như vậy?

Cùng với đó, điều mà người dân nới đây khó hiểu là việc, đất nông nghiệp không phải là đất mỏ nhưng vẫn được tư vấn giám sát thay mặt chủ đầu tư đánh số mỏ và xác nhận là “đất lấy từ mỏ” trong hồ sơ để xác nhận thanh toán cho nhà thầu chính.

Sự việc này phải chăng đơn vị tư vấn đã cố ý làm trái quy định của nhà nước về khai thác tài nguyên.

Việc không mua đất từ mỏ được cấp phép, nhưng vẫn có hoá đơn hoàn thuế thì hoá đơn này được mua từ đâu?

Dư luận nơi đây cho rằng, chắc chắn nhà thầu phải mua ngoài, một doanh nghiệp không thể bán đủ số hoá đơn này, buộc phải có một đường dây bán đủ số hoá đơn liên quan đến đất mỏ để nhà thầu hoàn thuế, có hoá đơn về đất thì phải có hoá đơn nhiên liệu, hoá đơn vận tải...

Với chức năng quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, báo PLVN đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra về mức độ thiệt hại đất nông nghiệp của người dân và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục thuế Đồng Nai cần làm rõ bản chất của hóa đơn hoàn thuế để tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

PLVN tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm