Mặc dù đã một lần cấp sơ thẩm tuyên ông vô tội, hai lần cấp phúc thẩm tối cao tuyên hủy án vì chưa đủ căn cứ buộc tội, nhưng đến nay ông vẫn chưa được minh oan. Suốt từng ấy năm, ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh và dành dụm tiền bạc theo đuổi việc kêu oan…
Bị gài bẫy
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hải - nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Nếu tôi có tội, các cơ quan tố tụng xử sao cũng được, kể cả tuyên án tử hình. Nhưng trong vụ việc này, tôi bị oan nên sẽ đi tìm công lý đến hơi thở cuối cùng”.
Trước đó, ngày 12/2/2007, ông được người bạn là Luật sư (LS) Lưu Đình Nghĩa (nguyên Thẩm phán TAND huyện Di Linh, Lâm Đồng) rủ đi uống cà phê. Đến quán, LS Nghĩa dẫn ông vào ngồi cùng bàn với hai người khách, giới thiệu là bà cô ở TP.HCM lên chơi. Sau này, ông mới biết hai vị khách đó là bà Lê Thị Phượng và Lê Thị Thu Loan (cô bà Phượng, trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM), nhờ LS Nghĩa (Đoàn LS tỉnh Lâm Đồng) tư vấn pháp luật, khởi kiện đòi lại nhà đất tại số 39 đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP.Đà Lạt với giá 300 triệu đồng.
Ngày 12/2/2007, LS Nghĩa cùng bà Phượng, bà Loan đến TAND tỉnh Lâm Đồng và Thẩm phán L.T. của Tòa Dân sự tiếp bà Loan tại phòng làm việc, hướng dẫn một số thủ tục về vụ kiện. Sau đó, bà Loan và ông Nghĩa hẹn nhau ra quán cà phê Song Vy, phường 9, TP.Đà Lạt để đưa tạm ứng 150 triệu đồng. Trước đó gần một tháng, do không tin ông Nghĩa nên bà Loan, bà Phượng đã có đơn trình báo Công an tỉnh Lâm Đồng và chỉ chuẩn bị 13 triệu đồng để làm “mồi”, chứ không phải với mục đích thanh toán chi phí dịch vụ pháp lý cho ông Nghĩa.
Khoảng 16h cùng ngày, ông Nghĩa đến quán Song Vy, bà Loan, bà Phượng ra điều kiện phải gặp mặt người có trách nhiệm giải quyết vụ việc mới giao tiền. Ông Nghĩa đi ra ngoài, một lúc sau quay lại cùng với Thẩm phán Hải. Khi ông Hải đến, bà Loan nhờ ông Hải giúp đỡ đòi lại nhà và đất. Ông Hải không nói gì.
Giữa ông Hải với ông Nghĩa cũng không bàn bạc, trao đổi gì về vụ việc của bà Loan. Trong lúc bà Loan đặt 3 gói giấy báo lên bàn và trao đổi với ông Nghĩa thì ông Hải nghe điện thoại, bất ngờ có mấy người xuất hiện và xưng là Công an tỉnh Lâm Đồng đến bắt quả tang vụ “chạy án”. Ông bị trùm kín đầu và có ai đó nhét gói giấy báo vào túi áo khoác.
Không đủ căn cứ buộc tội
Sau khi khởi tố ông Nghĩa và ông Hải về tội “Nhận hối lộ” nhưng không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, CQĐT Công an tỉnh Lâm Đồng thay đổi tội danh ông Nghĩa sang tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, còn ông Hải bị đổi sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi”. Ngày 15/1/2008, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm tuyên ông Nghĩa 18 tháng tù và ông Hải 12 tháng tù. Cả ông Nghĩa và ông Hải đều kháng cáo kêu oan.
Ngày 23/6/2008, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã xử phúc thẩm và nhận định bản án sơ thẩm buộc tội hai ông Nghĩa, Hải là không có căn cứ. Bởi lẽ, không có căn cứ cho thấy có sự móc nối giữa ông Hải với ông Nghĩa và cũng không có căn cứ để khẳng định ông Hải đồng ý nhận tiền của bà Loan với mục đích gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi. Việc ông Hải có mặt tại quán cà phê là do sự nể nang tình cảm bạn bè với ông Nghĩa và nằm trong ý đồ của bà Loan. Do vậy, Tòa Phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu…
Sau đó, các cơ quan tố tụng tỉnh Lâm Đồng thay đổi tội danh đối với hai ông Nghĩa, Hải sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 30/9/2009, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm lần thứ 2, tuyên hai ông Nghĩa, Hải không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo nhận định của Bản án sơ thẩm lần 2, việc ông Hải đi cùng ông Nghĩa uống cà phê và để ông Nghĩa nhận tiền của đương sự là vi phạm Quy chế đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án cho thấy ông Hải không biết mối quan hệ công việc giữa bà Loan, bà Phượng với ông Nghĩa; không biết việc ông Nghĩa mời ra quán cà phê Song Vy gặp bà Loan, bà Phượng là để lấy tiền. Do vậy, không đủ căn cứ kết luận ông Hải là đồng phạm giúp sức cho ông Nghĩa lừa đảo. Do vậy, ông Hải không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng của VKSND tỉnh Lâm Đồng đã truy tố.
Bản án của TAND tỉnh Lâm Đồng bị VKSND tỉnh Lâm Đồng kháng nghị. Ngày 10/11/2010, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lần 2 đã nhận định: Với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX không đủ căn cứ để quy kết ông Nghĩa và ông Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Việc cấp sơ thẩm tuyên ông Hải không phạm tội là có căn cứ. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xử lý vụ án chính xác, khách quan, nên hủy án để giao về cho các cơ quan tố tụng tỉnh Lâm Đồng điều tra lại từ đầu.
Những vi phạm tố tụng không thể khắc phục được
Ngay từ đầu, vụ án này đã có những sai phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, các cấp Tòa án đã chỉ ra rất nhiều vi phạm về tố tụng, yêu cầu khắc phục nhưng quá trình điều tra từng ấy năm vẫn không thể khắc phục được, thậm chí có một số chứng cứ còn bị “thất lạc” đến nay không khôi phục được, làm cho việc giải quyết vụ án càng khó khăn hơn.
Ngay khi bị bắt, ông Hải đã khẳng định hoàn toàn không cầm gói giấy báo bên trong có tiền cất vào túi áo khoác. Việc gói giấy báo nằm trong túi ông là có người lấy nhét vào trong lúc ông bị trùm đầu. Ông Hải xin được giám định dấu vân tay trên gói giấy báo kia, nhưng không được chấp nhận. Đến nay, tờ giấy báo dùng để gói tiền cũng không còn lưu giữ trong hồ sơ vụ án.
Một trong những chứng cứ để xác định có vụ “chạy án” là băng ghi âm của bà Phượng với những người khác (bị nghi ngờ là bà Phượng với ông Nghĩa, ông Hải) được bà cung cấp cho CQĐT khẳng định mình không trao đổi gì và yêu cầu được giám định giọng nói, nhưng CQĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã trả lại máy ghi âm cho bà Phượng nên không thể giám định được giọng nói. CQĐT còn cho rằng việc bà Phượng ghi âm vào thời gian nào, ở đâu cũng không thể xác định được.
Đối với tin nhắn mà theo lời khai của bà Phượng là của ông Nghĩa yêu cầu chia tiền thành ba gói, các cấp Tòa và LS đề nghị làm rõ có hay không tin nhắn này, nhưng đến nay việc xác định tin nhắn này cũng không thực hiện được do bà Phượng đã xóa bỏ, còn CQĐT thì không lưu giữ.
Đối với lời khai của nhân chứng là Huỳnh Thanh Duy - nhân viên quán cà phê Song Vy, theo biên bản phạm tội quả tang ghi ông Duy nhìn thấy ông Hải cầm tiền đưa vào túi áo. Nhưng tại các phiên tòa, ông Duy khẳng định ông chưa bao giờ khai như vậy, cũng không thấy ông Hải cầm gói giấy báo đưa vào túi áo. Ngay cả người “bị hại” là bà Loan, nhiều lần bà cũng thừa nhận tại các phiên tòa là ông Hải không cầm gói giấy báo đưa vào túi áo.
Ngoài ra, theo nhận định của Tòa Phúc thẩm lần 2, từ việc bà Loan gặp ông Nghĩa ở quán cà phê Song Vy đến việc đưa tiền đều là có sự sắp đặt trước. Điều này không phù hợp với nguyên tắc thu thập chứng cứ để buộc tội các bị cáo. Việc biên bản phạm tội quả tang không cho các bị can trình bày ý kiến của mình là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Khi công an thực hiện việc bắt quả tang, có ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, nhưng trong hồ sơ các đĩa ghi hình này không có; lời khai giữa bà Loan, bà Phượng với ông Nghĩa, ông Hải có nhiều mâu thuẫn nhưng không được làm rõ.
Với những gì đã diễn ra trong suốt hơn 5 năm qua, dư luận rất mong trong phiên tòa sắp tới, TAND tỉnh Lâm Đồng cần mạnh dạn tuyên họ vô tội như đã từng tuyên ở phiên sơ thẩm lần 2, đồng thời khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Nhóm PV Pháp đình