Đấu tranh vì minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký văn bản giao Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư để triển khai thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc kể từ ngày 1/8/2022; trong đó triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc.
Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã hoàn thành áp dụng TPĐT
Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã hoàn thành áp dụng TPĐT

Thu phí điện tử (TPĐT) là câu chuyện đã được nói đến nhiều năm qua, thậm chí lãnh đạo Chính phủ đã đôn đốc “rát họng”. Ngày 24/6, tại cuộc họp về vấn đề này, do Chính phủ chủ trì, tinh thần được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận là: Bảo đảm hoàn thành hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc trước 31/7/2022.

Đất nước đang phát triển, thiếu nguồn vốn đầu tư, buộc phải thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ cũ, xây mới cao tốc theo hình thức PPP. Có điều các dự án BOT (trừ đường cao tốc xây mới) chủ yếu thực hiện trên các tuyến độc đạo, phương tiện vận tải không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc “vào trạm”. Chi phí logistics tăng cao, giá thành hàng hóa kết cục tăng theo. Đó là thiệt hại chung của nền kinh tế, nếu nhìn ở góc độ sức cạnh tranh của hàng hóa.

Các tuyến đường BOT thực sự là “mỏ tiền” lộ thiên của các nhà đầu tư. Điều cần nói là khi làm BOT, nhiều nhà đầu tư có nhiều “mánh lới” để nâng tổng mức đầu tư, từ đó kéo dài thời gian thu phí, mức thu phí...; trong đó có thời “chống” thu phí tự động, thể hiện bằng hình thức “câu giờ”.

TPĐT không dừng thay thế cho hình thức thu phí thủ công là văn minh, hiện đại, giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Việc triển khai thu phí theo hình thức TPĐT không dừng là yêu cầu bắt buộc đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã hoàn thành áp dụng TPĐT; nhiều tuyến BOT vừa TPĐT vừa thu phí hỗn hợp.

Sau khi Chính phủ có cơ chế mở cho doanh nghiệp BOT tự đầu tư thiết bị tại trạm thu phí không dừng (ETC) và truyền dữ liệu tới trung tâm của VETC (Công ty Thu phí tự động), đặc biệt chỉ đạo nếu các trạm BOT không lắp đặt ETC sẽ phải dừng thu phí, tiến độ mới được triển khai nhanh hơn. Một số doanh nghiệp BOT đã tự đầu tư, lắp đặt hệ thống ETC tại trạm và đấu nối với trung tâm vận hành của VETC.

Rõ ràng để thực hiện thành công chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hơn nữa để triển khai hệ thống theo đúng kế hoạch. Không quyết liệt thì không xong, không “cưỡng chế” hành chính thì khó bảo đảm kỷ cương quản lý.

TPĐT không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là cuộc “đấu tranh” vì công khai, minh bạch. Mà công khai, minh bạch là những thành tố quan trọng của một nền quản trị quốc gia hiệu quả và là yêu cầu không thể thiếu nhằm đảm bảo thực hiện dân chủ trong Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Đọc thêm