Không đến tay người nghèo
Kết quả nghiên cứu “Đầu tư công cho nông nghiệp ở cấp hộ gia đình liên hệ tới an ninh lương thực” được CIEM và AAV công bố mới đây cho thấy hàng loạt chính sách hỗ trợ công cho nông nghiệp như trợ giá, trợ cấp, hỗ trợ tín dụng dường như không đến được tay người nghèo.
Trong 4 tỉnh được nghiên cứu gồm Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Lắk, Vĩnh Long thì có 47,33% các hộ có biết đến các chương trình trợ giá của Nhà nước, tuy nhiên chỉ có 18,15% được hưởng các hỗ trợ này trong năm 2014.
Báo cáo cũng chỉ rõ sự khác biệt giữa các tỉnh được nghiên cứu. Đáng chú ý, ở Đắk Lắk và Vĩnh Long, các hộ ít biết về trợ giá và chỉ có 1,43% (Đắk Lắk) và 4,23% (Vĩnh Long) các hộ nhận được hỗ trợ, nhưng nếu tính năm 2014 thì 2 tỉnh này không có hộ nào nhận được hỗ trợ.
Về trợ cấp, trung bình 47,69% hộ tham gia khảo sát biết hoặc có nghe đến các khoản trợ cấp của Nhà nước liên quan đến đầu vào cho nông nghiệp (cây, con giống, vật nuôi, phân bón…) và các loại dụng cụ nông nghiệp. Ở Cao Bằng và Hà Giang, tỉ lệ biết được các trợ cấp này là cao nhất, lần lượt là 78% và 54%, tuy nhiên chỉ có 12% và 14% các hộ là nhận được hỗ trợ.
Tại Vĩnh Long và Đắk Lắk, các con số này lần lượt là 35% và 32%, tuy nhiên số hộ nhận được hỗ trợ chỉ là 18% trong năm ngoái, còn năm trước nữa thì không có hộ nào. Thế nhưng hầu hết các câu trả lời đều cho rằng các hộ không được chuyển giao đúng thời điểm cần. Có những trường hợp hạt giống hỗ trợ đến được với người dân sau khi vụ mùa đã bắt đầu được khoảng một đến 2 tháng.
Còn chính sách hỗ trợ tín dụng, nghiên cứu mới được công bố cho hay, 96% các hộ tham gia khảo sát đều biết. Trong năm 2014, 65% các hộ được sử dụng dịch vụ tín dụng công. Ở Cao Bằng và Đắk Lắk, tỷ lệ các hộ sử dụng dịch vụ tín dụng công lần lượt là 52% và 37%.
Tuy nhiên, tại tất cả các tỉnh thực hiện nghiên cứu, nguồn cung cấp tín dụng chủ yếu là từ các tổ chức tài chính, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội hay hệ thống tín dụng nhà nước. Các ngân hàng thương mại không có dịch vụ cung cấp tín dụng nào cho các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.
Hạt nhân hộ gia đình
Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đa chiều cho các cơ quan quản lý như tăng cường sự tham gia của chính người nông dân vào quá trình đầu tư nông nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu, hỗ trợ người dân tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp; tăng cường thông tin, phổ biến chính sách và khả năng tiếp cận của người dân... để người dân thực sự được hưởng lợi.
Theo đó, CIEM và AAV khuyến nghị khi xây dựng chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, Việt Nam nên tập trung theo hướng hỗ trợ hộ nông dân quy mô nhỏ và nhóm dân tộc thiểu số thông qua việc cung cấp dịch vụ dựa vào chính nhu cầu thực tế của nông dân thay vì thiết kế chương trình mà không có sự tham gia của họ.
Ông Christopher Kinyanjui, Phó Tổng Giám đốc ActionAid Quốc tế nhận định: “Kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo cung cấp thêm thông tin đáng quan tâm về định hướng chiến lược đầu tư nông nghiệp của Việt Nam. Nông hộ sản xuất nhỏ đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững của các quốc gia có nhiều dân số làm nông nghiệp và sống bằng nông nghiệp như Việt Nam và Ấn Độ.
Báo cáo đã khẳng định thêm nhu cầu cần cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, chú trọng hơn nữa lợi ích của các hộ nông dân nhỏ, có như vậy thì phát triển kinh tế mới có ý nghĩa cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội”.
Nghiên cứu được công bố cũng lưu ý việc do diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp nên Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng nông thôn để hỗ trợ nông nghiệp và đảm bảo tính đa dạng của nông nghiệp nông thôn.
Theo Đề án được duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp (bao gồm cả thủy lợi) là khoảng 239.400 tỷ đồng cho giai đoạn 2011-2015 và 480.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 (gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước), đáp ứng được khoảng 66% so với nhu cầu đầu tư. Việc đầu tư cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư thông qua Bộ và tăng phân cấp về cho các địa phương.