Đẩy mạnh cải cách một số thủ tục hành chính trong ngành Tư pháp

(PLO) - Nhiều năm gần đây, Bộ Tư pháp luôn là một trong những bộ, ngành quyết tâm thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và từng đảm nhiệm tốt vai trò tham mưu nghiên cứu, xử lý các đề xuất đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính khi còn giữ vị trí cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án 896. Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tiến hành cải cách một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. 
Ảnh minh họa

Chẳng hạn, trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, có tổng số 35 TTHC đối với tất cả các loại tài sản bảo đảm (tính chung TTHC tại cấp tỉnh và cấp huyện, còn nếu tính thủ tục ở cả hai cấp thực hiện thì có 49 TTHC). Thực hiện chủ trương đơn giản hóa TTHC, trên cơ sở rà soát và cắt giảm hàng năm, kết quả cải cách TTHC theo số liệu gần nhất đã cắt giảm được thêm 4 thủ tục gồm đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai trong trường hợp đã đăng ký thế chấp; sửa chữa sai sót nội dung đăng ký thế chấp do lỗi của cơ quan đăng ký đối với nhà ở hình thành trong tương lai; xóa đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Sau khi cắt giảm 4 thủ tục này, số lượng TTHC là 31 thủ tục.

Để tiếp tục chủ trương đơn giản, cắt giảm bớt TTHC trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm (theo quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015), Bộ Tư pháp đang nghiên cứu cắt giảm thêm 1 TTHC về thủ tục sửa chữa sai sót do lỗi của người thực hiện đăng ký.

Trong trường hợp cơ quan đăng ký phát hiện có sai sót thì tự sửa chữa và thuộc trách nhiệm của cơ quan đăng ký. Nếu cắt bỏ thủ tục sửa chữa sai sót do lỗi của người thực hiện đăng ký áp dụng đối với các loại tài sản bảo đảm thì tổng số TTHC về đăng ký biện pháp bảo đảm là 27 thủ tục (giảm 4 thủ tục). Kết quả tính toán chi phí tuân thủ dự kiến tiết kiệm sau khi sửa đổi, bổ sung TTHC là hơn 47 triệu đồng/năm, với tỷ lệ cắt giảm chi phí từ 3,67 – 51,84% cho từng TTHC.

Bộ Tư pháp cũng đang tính đến lộ trình xây dựng, hình thành và phát triển hệ thống đăng ký trực tuyến các biện pháp bảo đảm, mở rộng cho cả việc cầm cố, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển bên cạnh lộ trình cho việc đăng ký trực tuyến đối với đất đai.

Lộ trình dự kiến chia thành 2 giai đoạn: đối với tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển, xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển xong trước năm 2020. Đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất xong trước năm 2015.

Hay trong lĩnh vực lý lịch tư pháp (LLTP), quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật LLTP năm 2009, Bộ Tư pháp cũng đề xuất cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp Phiếu LLTP nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, để tạo thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước trong thực hiện chức năng quản lý của ngành, cơ quan, đơn vị, đồng thời giảm gánh nặng cho người dân khi yêu cầu cấp Phiếu LLTP thì sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xóa bỏ ranh giới “hành chính” trong thẩm quyền cấp Phiếu LLTP.

Theo đó, dự kiến không quy định thẩm quyền yêu cầu cấp Phiếu theo nơi cư trú hoặc theo đối tượng như hiện nay mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn nơi thuận tiện nhất để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. 

Đọc thêm