Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng ở Việt Nam

(PLVN) - Ngày 6/12, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo cấp trường "Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng ở Việt Nam hiện nay".
Các đại biểu tham dự hội thảo cấp trường “Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính - ngân hàng ở Việt Nam hiện nay”.
Các đại biểu tham dự hội thảo cấp trường “Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính - ngân hàng ở Việt Nam hiện nay”.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Toàn Thắng - Nguyên Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam; PGS. TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính Phủ; ông Nguyễn Đức Anh - Tổng cục thanh tra Ngân hàng nhà nước; ông Nguyễn Tuấn Anh - Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II , Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Luật có TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Khoa Pháp luật kinh tế; TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng BM Luật Tài chính Ngân hàng Khoa Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội cùng đại diện của các Khoa chuyên môn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến an ninh, quốc phòng trên toàn cầu. Sự bùng nổ và phổ biến của internet và các công nghệ kỹ thuật số đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho mọi người tham gia và kết nối vào thị trường kinh tế số. Về kinh tế số, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển ở mức khá cao trong khu vực và trên thế giới với hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao.

Để các hoạt động chuyển đổi số nói chung và hoạt động kinh tế số nói riêng bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định “Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030”.

Toàn cảnh hội thảo.Toàn cảnh hội thảo.

Thể chế hóa Nghị quyết trên, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tiếp đến ngày 31/3/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó có nội dung phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực tài tài chính, ngân hành hướng tới “Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”. Trên cơ sở đó, ngày 11/5/2021 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu khai mạc, TS. Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến hoạt động chuyển đổi số và kinh tế số, trong đó chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng là một trong 08 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạch những tác động tích cực, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng đối mặt với rất nhiều thách thức phát sinh từ những vấn đề mới chưa được điều chỉnh bởi pháp luật như: tổ chức và hoạt động của các công ty công nghệ tài chính Fintech; mô hình ngân hàng số hay trách nhiệm bảo vệ thông tin khách hàng; phòng, chống rửa tiền và xử lý đối với sự gia tăng của những tội phạm công nghệ cao...

TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại hội thảo.TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại hội thảo.

Những vấn đề đã tồn tại này đặt trong bối cảnh chuyển đổi số đã phát sinh những yêu cầu, đòi hỏi mới cần phải hoàn thiện pháp luật. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này ở cả khu vực và trên thế giới, xét ở cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng như sự phát triển bền vững thị trường tài chính – ngân hàng là rất cần thiết.

Với sứ mạng xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu ở Việt Nam và trong khu vực theo như Đề án 1156 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 30/9/2023, TS. Đoàn Trung Kiên mong muốn hội thảo hôm nay trở thành một điểm đến của tri thức, một diễn đàn khoa học rộng mở để các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu, trao đổi làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Phát biểu dẫn đề, PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế cho biết chuyển đổi số là thuật ngữ khá quen thuộc đối với đời sống kinh tế - xã hội, được coi là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của thời đại. Việt Nam chúng ta muốn rút ngắn khoảng cách phát triển, bắt buộc chúng ta phải thích ứng, phải cố gắng khai thác, tận dụng những cơ hội của chuyển đổi số, từ đó thực hiện thành công cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế phát biểu dẫn đề tại hội thảo.PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế phát biểu dẫn đề tại hội thảo.

Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Một trong những thách thức quan trọng đó là hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam còn nhiều nội dung chưa điều chỉnh kịp tới sự phát triển mạnh mẽ của những vấn đề mới phát sinh từ quá trình chuyển đổi số. Lĩnh vực tài chính – ngân hàng là một trong những minh chứng cụ thể cho quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, cũng là minh chứng cụ thể cho đòi hỏi cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ chuyển đổi số. Chủ đề hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính - ngân hàng ở Việt Nam hiện nay” là chủ đề gắn liền với “hơi thở” cuộc sống và góp phần giải quyết những “nút thắt” từ cuộc sống.

Hội thảo diễn ra 3 phiên: Phiên 1: Khai mạc, chào mừng, dẫn đề Hội thảo; Phiên 2: Xác định những vấn đề chung liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và ngân hàng số cả ở góc độ kinh tế cũng như vấn đề pháp lý; Phiên 3: Tập trung đề cập đến những vấn đề cụ thể đặt ra đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cả dưới góc độ pháp lý cũng như hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Hội thảo tập trung về đánh giá cơ sở lý luận pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng; thực trạng pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng ở Việt Nam hiện nay; khảo lược quy định và thực tiễn pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với hoạt động về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng ở Việt Nam; đưa ra định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính – ngân hàng ở Việt Nam hiện nay.

Đọc thêm