Cùng đồng hành vực dậy du lịch
Tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các nước bạn sẽ đồng hành với du lịch Việt Nam trên một số nội dung như: Ưu tiên hợp tác trên cơ sở từng thế mạnh của từng quốc gia.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng hy vọng các quốc gia đồng hành cùng Việt Nam để hỗ trợ du lịch Việt Nam phát triển nền tảng số, kết nối thành công chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam.
Thực tế, nhờ thành công từ cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác nếu tiến hành mở cửa thị trường quốc tế. Các chiến dịch truyền thông về du lịch Việt Nam sau đại dịch cũng đã bắt đầu khởi động từ đầu năm nay.
Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN bày tỏ quan tâm đến việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế, làm gì để đảm bảo an toàn du lịch, những sáng kiến dài hạn trong phát triển du lịch và đặc biệt là việc sử dụng hộ chiếu vắc xin trong khu vực và “bong bóng du lịch” đối với các quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Các công ty bảo hiểm lớn cũng mong muốn được Việt Nam hỗ trợ và hợp tác trong việc thực hiện bảo hiểm du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách đến Việt Nam sau khi mở cửa thị trường du lịch quốc tế…
Tại thị trường Hàn Quốc, nguyên Đại sứ du lịch Lý Xương Căn đã chủ động hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam với các công ty truyền thông, báo chí tại Hàn Quốc như: Tòa báo kinh tế Hàn Quốc, Tòa báo kinh tế Seoul, Sisa Magazine, Kinh tế Brigde, Kinh tế Asia TV…; kết nối và hỗ trợ các công tác giao lưu, kết nghĩa giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc, tăng cường hợp tác du lịch với các công ty du lịch Hàn Quốc và các doanh nghiệp liên quan.
Cùng với đó, nhiều sự kiện văn hóa du lịch, roadshow quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam tại các thành phố ở Hàn Quốc; cung cấp các thông tin về du lịch Việt Nam cho khách du lịch Hàn Quốc; cung cấp và cập nhật các thông tin về các chính sách, quy định của Việt Nam liên quan về du lịch; hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch tại thị trường Hàn Quốc; giới thiệu các địa điểm du lịch nổi tiếng và các dịch vụ du lịch uy tín tại Việt Nam,… được tổ chức.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nguyên Đại sứ Du lịch Việt Nam tiếp tục tích cực quảng bá về văn hóa và du lịch Việt Nam thông qua phương thức không gặp mặt trực tiếp để phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay tại Hàn Quốc; tiếp tục kết nối và hỗ trợ các công tác giao lưu, kết nghĩa giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc; hỗ trợ phát sóng chương trình Dongdaemun Plate trên kênh Discovery. Đồng thời, tham gia nhiều hoạt động trực tiếp với quy mô phù hợp hoặc hoạt động trực tuyến để quảng bá cho du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, đối với Ấn Độ, Việt Nam cũng nổi lên như một khu vực tiềm năng với những điểm đến thú vị, trải nghiệm hấp dẫn và thiên đường ẩm thực độc đáo. Các chương trình xúc tiến quảng bá, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng được đẩy mạnh, trong đó lĩnh vực du lịch được đề cập đến là thế mạnh tiềm năng của Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam cũng phối hợp với các hãng lớn như Google, Youtube để lan tỏa những thông điệp cần thiết về điểm đến an toàn, về một Việt Nam tươi đẹp, môi trường thân thiện, thành công trong phòng chống dịch bệnh…
Clip “Việt Nam – Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) phát hành sau 2 tuần đã đạt 1 triệu lượt xem. Những công tác quảng bá thị trường du lịch Việt đến quốc tế đang từng bước đạt hiệu ứng tốt. Nhiều “ông lớn” trong hệ thống khách sạn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến thích hợp để mở rộng thị trường.
Tập đoàn IHG, chủ sở hữu các thương hiệu như Six Senses, InterContinental vừa công bố kế hoạch phát triển thêm 50% dự án khách sạn, resort tại Việt Nam trong 2 năm tới. Đơn vị đang có 13 khách sạn ở Việt Nam, với tổng công suất phòng lên đến 3.700.
Một trong những thương hiệu cao cấp nhất thế giới là Crowne Plaza sẽ gia tăng sự hiện diện tại các trung tâm đô thị lớn, thành phố cửa ngõ và điểm đến du lịch của Việt Nam, như Phú Quốc, Bình Dương, Cần Thơ, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Khu nghỉ dưỡng Holiday Inn Resort Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng sẽ khai trương trong thời gian tới.
Theo Savills Hotels, các đơn vị nước ngoài đang rất chú trọng mở rộng tại thị trường Việt Nam. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Truyền thông “Du lịch – Điểm đến an toàn”
Hiện nay ngành du lịch một số nước trong khu vực ASEAN đã gửi thông điệp đến các đối tác tiềm năng ở Việt Nam về sự an toàn của điểm đến như: SG Clean (Singapore Sạch), Amazing Thailand Safe and Health (SHA), Malaysia với “Clean and Safe”, Indonesia là slogan “I do Care”…
Theo đó, tất cả các nhóm ngành ở các nước như: Nhà hàng, khách sạn, điểm đến tham quan đều được dán bảng SG Clean để cam kết địa điểm của mình an toàn. Từ đó, khi thị trường mở cửa, những cơ sở, dịch vụ đã hoàn tất các quy chuẩn an toàn sẽ giúp khách hàng thấy an tâm khi đi du lịch ở nước bạn trong thời điểm này.
Trang web xúc tiến du lịch Việt Nam được Tổng cục Du lịch giới thiệu. |
Đây cũng là nhiệm vụ mà truyền thông Việt Nam hướng tới khi thực hiện các dự án quảng bá du lịch Việt đến quốc tế. Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam xứng đáng là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới, nhưng cần phải có nhiều hơn các dự án truyền thông đúng tầm để thế giới biết rõ điều này.
Bà Serena Lim, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển của IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc nhận xét, cơ hội đang rộng mở để phát triển du lịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và các thành phố thứ cấp, cụm công nghiệp, thành phố vệ tinh,… Các điểm nghỉ dưỡng mới nổi như Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết, Hòa Bình đang trở thành “mảnh đất màu mỡ”, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch và sẽ là điểm sáng hậu Covid-19 cho du lịch Việt Nam.
Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất đối với hoạt động truyền thông cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, muốn cho du khách bốn phương tin tưởng Việt Nam là điểm đến an toàn thì ngành du lịch Việt Nam phải có cú hích để bùng nổ du lịch nội địa, tiến đến mở cửa đón khách từ thị trường quốc tế.
TAB đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách miễn thị thực 30 ngày cho công dân các nước đã được miễn hồi trước dịch và bổ sung thêm Úc, New Zealand, các nước châu Âu còn lại và Ấn Độ vào danh sách này. TAB gợi ý thêm, để nối lại mảng du lịch quốc tế, Việt Nam cần có các chính sách yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng, kiểm tra Covid-19 trước chuyến bay và khi đến nơi.
Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả các khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi nước ngoài. Trong đó, bảo hiểm Covid-19 sẽ đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch cũng như chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch cùng với việc kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế, hồi hương...
Các địa phương cũng đang từng bước thực hiện chiến lược quảng bá du lịch. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết: “Ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các điểm đến đẩy mạnh việc chuyển đổi số hóa, hiện nay Sở cũng đang chuẩn bị cho chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua kế hoạch truyền thông chương trình “100 điều thú vị và khám phá TP Hồ Chí Minh”, xúc tiến cùng các phương thức mới đến những thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế”.
Trong quá trình thực hiện, ngành du lịch thành phố tập trung ứng dụng hình thức truyền thông trực tuyến, triển khai các ứng dụng của bộ nhận diện thương hiệu du lịch TP HCM đã được xây dựng, thiết kế; thực hiện sản xuất phim quảng bá điểm đến TP HCM và phim ngắn về 2 đặc trưng của du lịch TP HCM (ẩm thực và văn hóa, phong cách sống); thực hiện truyền thông đa phương tiện thương hiệu “Vibrant Ho Chi Minh City.