Tinh hoa ẩm thực Việt thúc đẩy du lịch cộng đồng

(PLVN) - Theo Báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực năm 2020, ẩm thực là nguyên nhân thứ ba sau yếu tố văn hoá, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định điểm đến của du khách. Ẩm thực địa phương cũng chính là yếu tố chiến lược thúc đẩy xu hướng du lịch cộng đồng tại Việt Nam trong năm 2021. 
 Ẩm thực là yếu tố quan trọng giữ chân du khách.
Ẩm thực là yếu tố quan trọng giữ chân du khách.

“Du lịch tại chỗ” vì ẩm thực

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid, du lịch nội địa là “mũi nhọn”, Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội dự kiến tổ chức vào tháng 3/2021 nhấn mạnh định hướng “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đánh giá tinh hoa ẩm thực Hà thành chính là động lực thúc đẩy nhu cầu khám phá của người dân Thủ đô cũng như du khách đến từ phương xa.

Cụ thể, ẩm thực Hà Nội tập hợp nhiều “lát cắt” khác nhau, từ những đặc sản truyền thống như phở Hà Nội, bún chả, chả nhái Khương Thượng... đến nền ẩm thực của các nước khác trong các món ăn như mì vằn thắn, vịt quay Bắc Kinh, bánh trôi tàu, cháo ếch Singapore, Pizza, dimsum, sushi… 

Trên thực tế, chiến lược quảng bá du lịch Thủ đô trong nhiều năm nay đã nhấn mạnh tinh thần quảng bá Hà Nội là “bếp ăn của thế giới”. Với năm 2021, Hà Nội cũng dùng chính yếu tố ẩm thực đa dạng để thu hút người dân Hà thành đi “du lịch tại chỗ”. 

Đáng nói, du lịch ẩm thực cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy việc hình thành và phát triển mô hình kinh tế làng, xã, thôn, bản, hộ gia đình gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, ngành du lịch Thủ đô đang tập trung gắn phát triển du lịch với hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt làng nghề, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm văn hóa làng quê. 

Ví dụ điển hình có thể kể tới mô hình du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đã thu hút được khoảng 10% số hộ dân trên địa bàn xã tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng như dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, để du khách trải nghiệm “được làm nông dân”. Trong bối cảnh đại dịch Covid có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào, người dân Hà thành là đối tượng du khách được ưu tiên hàng đầu, tiếp sau đó là du khách thập phương từ các tỉnh, thành khác. 

Không chỉ thấy ở du lịch Thủ đô, ngành du lịch tại các tỉnh, thành đều đang chú trọng khai thác các giá trị ẩm thực cùng với việc sưu tầm sản vật địa phương, đưa vào thực đơn phục vụ khách du lịch. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh định hướng giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, các món ẩm thực, đặc sản của Đồng Nai để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch.

Các cộng đồng dân cư địa phương cũng được hướng tới. Bên cạnh trải nghiệm các chương trình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, rối nước, nghệ thuật cải lương..., và các chương trình lễ hội văn hoá đặc trưng như Lễ hội mừng lúa mới (Lễ hội Sayangva) của đồng bào dân tộc Chơro; các “tour ăn uống” chính là yếu tố “níu chân” người tham quan, cũng như khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn.

Bài toán phát triển du lịch cộng đồng năm 2021

Nền ẩm thực Việt Nam đã được thế giới công nhận về tính hấp dẫn cũng như tính đa dạng. Tổ chức kỷ lục thế giới WorldKings đã công nhận 5 kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt Nam, trong đó kỷ lục được vinh danh đầu tiên là “Quốc gia sở hữu nhiều món ăn sợi và nước dùng nhất thế giới”. Còn trong Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 năm 2020, Tổ chức World Travel Awards đã công bố Việt Nam được vinh danh ở 3 hạng mục, trong đó có “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á”.

Trước đó, tờ The Telegraph đã xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới. Chuyên mục du lịch của kênh CNN đã đánh giá TP HCM là “kinh đô ẩm thực Việt Nam”, thuộc nhóm 23 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.

Du lịch cộng đồng là một trong những xu hướng phát triển sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương trong giai đoạn 2015 – 2020. Du lịch cộng đồng tại Việt Nam dù đã xuất hiện từ những năm 1990 tại một số tỉnh như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam…, nhưng chỉ thực sự “nở rộ” trong những năm gần đây. Đến nay mô hình này đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300  làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng.

Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng đã được Đảng, Nhà nước ban hành cùng với các tiêu chuẩn về quản lý và định hướng nâng cao chất lượng như: Tiêu chuẩn quốc gia nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê TCVN 7800:2009 được ban hành năm 2009 và điều chỉnh, bổ sung năm 2017; Tiêu chuẩn homestay ASEAN ban hành năm 2014, Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN ban hành năm 2015.

Loại hình du lịch cộng đồng được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và sinh thái nông nghiệp. Việc kinh doanh ẩm thực địa phương là một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng thuộc hệ sinh thái nông nghiệp.  

Dù vậy, để phát huy được những giá trị tinh hoa về ẩm thực cùng với du lịch cộng đồng trong bối cảnh hiện nay, cần có một định hướng, chiến lược toàn diện, cụ thể, phù hợp với lợi thế, bản sắc vùng miền.

Bên cạnh các giá trị tài nguyên và văn hóa bản địa, các chuyên gia cho rằng cần phải có các yếu tố thiết yếu về hạ tầng như giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thông tin, dịch vụ cho khách, an toàn sức khỏe trong khu vực du lịch cộng đồng, nguồn nhân lực... 

Còn theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, đơn vị được Tổng cục Du lịch giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng: “Quan trọng là tạo được cơ chế, chính sách để người dân tham gia và thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Có những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả của mô hình này”. 

Nhận thấy tiềm năng to lớn của việc quảng bá du lịch cùng với ẩm thực, Tổng cục Du lịch đã đưa ra Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” vào khoảng cuối năm 2020. Đề án nhấn mạnh mục tiêu định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc Việt Nam, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.
Theo đó, đến năm 2025 tầm nhìn 2030, du lịch Việt Nam sẽ có chất lượng vượt trội, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Việt trên trường quốc tế.

Đọc thêm