Dạy nghề cho người bị thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhận thức rõ mức độ bị ảnh hưởng của người bị Nhà nước thu hồi đất, khoản 1 Điều 84 Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường; thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề, thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực tế ở dự án nào cũng không bao giờ quên công việc nêu trên. Nhưng việc áp dụng quy định này có thực chất, phát huy hiệu quả đúng như điều luật mong muốn hay không; thì lại là vấn đề khác.

Có thể kể câu chuyện xảy ra ở một dự án thu hồi đất, bồi thường và tái định cư thực hiện một công trình quốc gia ở một tỉnh phía Nam; có kinh phí gần 23.000 tỷ đồng; trong đó hạng mục đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân là 306 tỷ đồng. Đây là đề án được khảo sát, triển khai cùng thời điểm kiểm kê, đo đạc để giải phóng mặt bằng nhằm tạo sinh kế ổn định cho người dân nhường đất xây công trình.

Có hơn 5.000 hộ với tổng số hơn 15.500 nhân khẩu trong vùng dự án bị ảnh hưởng. Trong số này, khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho hay, sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt, Sở cùng huyện đã phát phiếu điều tra khảo sát, đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại nơi ở của người dân. Tuy vậy, số người đăng ký đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm nơi đây rất ít.

Năm 2022, đề án có 121 người dân đăng ký học nghề lái xe (bằng B2). Học phí 1 khoá học từ 11 - 15 triệu đồng, song trong đề án quy định chỉ hỗ trợ ba triệu đồng trên một người. Do số tiền chêch lệch bỏ thêm nhiều, đối tượng không đăng ký học.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một nguyên nhân khác có thể kể đến, là địa phương này có nhiều khu công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển đã tạo điều kiện việc làm cho người dân trong vùng dự án. Mỗi năm, nơi đây cần hàng chục nghìn lao động phổ thông nên người trong độ tuổi lao động cũng dễ xin việc. Các DN tuyển lao động và đào tạo kỹ năng theo vị trí việc làm của chính họ.

Chưa hết, theo kết luận của cơ quan kiểm toán, việc thực hiện đề án trùng với kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề 2 lần cho người làm nông nghiệp, cũng khiến quá trình thực hiện phải rà soát kỹ người thụ hưởng, mất nhiều thời gian, dẫn đến không thể giải ngân được.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho hay, qua khảo sát hiện ít có đối tượng có nhu cầu đào tạo nghề hay xin việc, nên đề án khó thực hiện được. Sở đang xin ý kiến để trả lại kinh phí đề án. Có thể nói theo cách nhẹ nhàng, đề án này đã không đạt được mục tiêu. Còn nói theo cách dân dã dân gian, đề án này đã “phá sản”. Rất nhiều công sức của cán bộ và cơ quan chức năng bỏ ra, đã không mang lại nhiều hiệu quả. Với phần lớn đối tượng thuộc diện thụ hưởng dự án, cũng không được gì.

Hệ lụy lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc… cho đề án như trên, khó có thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai. Nhưng cần coi đó là bài học kinh nghiệm, để khi lập những đề án tương tự, cần tính toán sao cho các giải pháp phù hợp thực tế, có thể phát huy giá trị thực chất, phù hợp điều kiện của địa phương và tâm tư người dân; chứ không đơn giản chỉ là lập đề án cho đúng quy định.

Đọc thêm