Cụ thể, tính riêng tổng số nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng, nợ BHXH thời gian từ ba tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm tới 72% số tiền nợ. Nợ BH thất nghiệp là 516 tỷ đồng, chiếm 3,62% tổng số tiền nợ. Nợ BHYT là 4.170 tỷ đồng, chiếm 29,31% tổng số tiền nợ… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp và đời sống của người lao động. Trước đây, để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn ra toà án.
Tuy nhiên, từ 01/01/2016 tòa án các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của BHXH, dẫn đến hàng ngàn hồ sơ khởi kiện của cơ quan BHXH tương ứng với số nợ hàng chục nghìn tỷ đồng chưa được giải quyết, xảy ra tình trạng việc bảo vệ lợi ích của người lao động qua hình thức khởi kiện bị gián đoạn. Trước thực tế đó, BHXH Việt Nam cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Đồng thời, BHXH Việt Nam tiếp tục ban hành công văn yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ hàng tháng lập hồ sơ đơn vị khởi kiện đầy đủ gửi công đoàn cùng cấp; tham gia đầy đủ từ phần gửi hồ sơ, tranh tụng, bổ sung hồ sơ, thông tin khi tòa án và tổ chức công đoàn yêu cầu và báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; báo cáo số liệu các vụ khởi kiện định kỳ vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng.
Qua gần 2 tháng triển khai đã có 47/63 tỉnh, thành phố ký Quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động và BHXH tại mỗi địa phương. Và tính đến ngày 13/11/2016, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ của 91 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho tổ chức Công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện. Tổ chức Công đoàn đã tiếp nhận 71 hồ sơ, thế nhưng mới có duy nhất Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng tiến hành thủ tục khởi kiện một doanh nghiệp vào tháng 6/2016. Ông Trương Ngọc Hùng - Trưởng ban Chính sách Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục khởi kiện 10 doanh nghiệp.
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình khởi kiện, ông Trương Ngọc Hùng cho rằng, việc tổ chức khởi kiện không gặp rắc rối nhưng khó nhất là phải chọn được những doanh nghiệp có tiềm lực để khởi kiện thu hồi số nợ, còn đối với những doanh nghiệp chỉ còn trên giấy tờ, doanh nghiệp “chết lâm sàng” thì có khởi kiện cũng không có khả năng thi hành án. Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp nợ do cơ quan BHXH gửi sang thì chủ yếu là những doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Để nhanh chóng triển khai công tác khởi kiện đơn vị nợ BHXH, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Mai Đức Chính yêu cầu, Liên đoàn Lao động và BHXH các tỉnh phải thống nhất danh sách khởi kiện đơn vị nợ, lựa chọn khởi kiện những đơn vị hoạt động, có khả năng thi hành án. Trước tiên, cần khởi kiện đơn vị nợ từ ba tháng trở lên với số tiền lớn. Liên đoàn Lao động phải mạnh dạn chuyển hồ sơ đến tòa án cấp tỉnh, huyện. Với những đơn vị cấp huyện khó khởi kiện thì gửi tòa án cấp tỉnh. Nếu tòa án không thụ lý thì Liên đoàn Lao động yêu cầu tòa án có văn bản nêu lý do gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng cần quyết liệt trong thanh tra chuyên ngành, kết hợp nhiều giải pháp để giảm tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; thậm chí phải có văn bản báo cáo vấn đề này với UBND tỉnh.