“Dậy sóng” với khảo sát “92% người dùng đồng ý tăng giá cước 3G”

(PLO) - Dư luận mấy ngày qua phản ứng dữ dội trước thông tin về kết quả khảo sát “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014” do GFK – (một tập đoàn nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới)  và Báo Bưu điện Việt Nam công bố. Liệu đây có phải sự chuẩn bị cho đợt tăng giá cước mới của các nhà mạng?
Nhiều người bất bình với chất lượng 3G tại Việt Nam. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Nhiều người bất bình với chất lượng 3G tại Việt Nam. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Câu hỏi gài bẫy?
Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 11/2014 đến tháng 1/2015 với 576 người tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. 
Theo báo cáo mới được công bố hôm 23/4, trong dự án nghiên cứu, GFK đã đưa ra câu hỏi đánh giá về mức cước 3G hiện tại và thái độ của người dùng với giả định là nhà mạng sẽ tăng giá cước 3G. 
Kết quả, hầu hết các mẫu khảo sát đều cho rằng mức giá 3G hiện tại là chấp nhận được (60%) và chất lượng nhận được tương ứng với số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra (84%). 
Chỉ có 8% khách hàng tham gia khảo sát tuyên bố không chấp nhận nếu các nhà cung cấp tăng giá cước dịch vụ 3G.
Nếu việc tăng giá xảy ra thì 82% cho rằng ở mức tăng dưới 5% sẽ ít ảnh hưởng đến hành vi của họ. Nếu tăng 5 - 10% so với mức giá hiện tại, 59% khách hàng có thể tìm gói cước rẻ hơn nhưng không thay đổi nhà cung cấp. Nhưng nếu giá tăng trên 10% thì 47% người dùng cho rằng họ sẽ đi tìm nhà cung cấp dịch vụ 3G khác.
Với kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng có tới 92% người dùng “đồng ý” với giả định nhà mạng sẽ tăng giá cước 3G là một kết quả thiếu chính xác, phi thực tế; rằng GFK đã đặt câu hỏi “gài bẫy” người trả lời để có kết quả sai lệch, có lợi cho các nhà mạng nhằm mục đích tăng cước dịch vụ 3G trong tương lai.
Trao đổi với báo chí, bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện GFK cho biết, bà cũng bất ngờ với kết quả đó và bản thân bà cũng không đồng ý việc tăng giá. 
Được biết, bảng câu hỏi mà GFK thiết kế đặt ra cho những người được khảo sát là: “Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?”. Phần trả lời tương ứng là:  “Dưới 5%”, “Từ 5-10%”, “Từ 10-20%”, “Trên 30%” và “Không đồng ý tăng”. 
Do vậy, khi trả lời phỏng vấn, người được hỏi sẽ lựa chọn một trong các mục trả lời trên đây và kết quả cuối cùng chỉ có 8% người được hỏi chọn mục “Không đồng ý tăng”.
Người dùng “tố” nhà mạng
Cùng với việc đăng tải thông tin về kết quả cuộc khảo sát, Báo Vietnamnet cũng tiến hành thăm dò độc giả. Với câu hỏi “Theo bạn, các nhà mạng có nên tăng cước 3G ở thời điểm hiện tại không?” và 4 phương án trả lời: “Tăng 5% hoặc thấp hơn”, “Tăng 5-10%”, “Tăng trên 10%”, “Không tăng”, kết quả thu về hoàn toàn ngược lại. Có đến 98,36% trong tổng số 3.291 phiếu (tính đến thời điểm 17h ngày 24/4) chọn phương án “Không tăng”.
Bất chấp sự khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng rằng, đây chỉ là một kênh thông tin để tham khảo chứ không phải là số liệu chính thống của Bộ, trên mạng xã hội nhiều ý kiến vẫn phản đối kết quả điều tra và tỏ ra nghi ngờ có sự liên kết giữa các nhà mạng với GFK để “dậm dạp” cho đợt tăng giá mới, đặc biệt rất nhiều ý kiến “tố” chất lượng mạng 3G.
“Tôi nghi ngờ 92% những người đồng ý tăng giá cước đều đang làm việc cho các nhà mạng, nghĩa là những người có lợi ích liên quan đến việc tăng gía…”- một người dùng tên Đỗ Hà lên tiếng.
“Tăng là tăng thế nào khi dịch vụ kém lại có tính gian dối, như trường hợp của tôi đây, đăng ký gói 70k được đảm bảo 600MB full tốc độ, vậy tại sao tôi download 1 file 116MB, sau đó upload cùng file đó chưa xong mà đã nhận sms thông báo hết dung lượng miễn phí, thật hài!” – (Hoài Phong). “70k/tháng. 2 ngày dùng 3G. Cả tháng 2G. Vô lý! (Ngô Thanh)…
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng tỏ ra ngạc nhiên với kết quả khảo sát này.
“Khảo sát mà đối tượng khảo sát hẹp như vậy không thể đại diện cho tiếng nói người tiêu dùng, kể cả để tham khảo. Bản thân Hội cũng không được hỏi ý kiến. Nếu hỏi, Hội cũng không đồng tình. Tăng giá thì dịch vụ có lợi gì với người tiêu dùng không, phải minh bạch thông tin. Còn không có lợi gì, sao lại tăng?”- ông Hùng bày tỏ quan điểm. 
Đại diện người tiêu dùng cũng tỏ ra nghi ngờ liệu có sự “đặt hàng” của các nhà mạng cho cuộc khảo sát này không? 
“Tất cả các cuộc nghiên cứu về thị trường viễn thông, Internet trước đây, kể cả do trong nước hay do quốc tế thực hiện đều cho kết quả một cách tương đối, chưa thể phản ánh được toàn bộ thị trường. Thậm chí với mỗi dự án nghiên cứu lại cho một kết quả không khác nhau về cùng một dịch vụ. Do đó, kết quả do GFK mới đưa ra chỉ đại diện cho ý kiến của một tập thể khách hàng, không thể đại diện cho hơn 100 triệu người dùng di động Việt Nam…” (Thứ trưởng Bộ TT&TT  Lê Nam Thắng)
“Kết quả này có được từ một khảo sát được làm theo đúng phương pháp nghiên cứu trong 576 mẫu. Tuy kết quả này chưa thể đại diện cho ý kiến của tất cả người dùng 3G nhưng chúng tôi khẳng định đã thực hiện đúng phương pháp, khách quan và phản ánh đúng ý kiến của người được hỏi…”  (bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện GFK)

Đọc thêm