Hay nói cách khác, nhà mạng đầu tư 1 tỷ đồng cho hệ thống thì xã hội cũng phải bỏ 1 tỷ để mua thiết bị đầu cuối, mà để người dùng móc túi chi tiền thì còn phải căn cứ nhiều yếu tố...
Đến lúc cho thế hệ di động mới
“Ngay từ khi công nghệ 4G mới ra đời và bắt đầu phát triển những năm 2010, 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có những nghiên cứu, chuẩn bị để xây dựng kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, bài học lớn nhất mà chúng ta rút ra được sau khi triển khai 3G chính là lựa chọn thời điểm phù hợp” - Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng chia sẻ bên lề một hội thảo quốc tế về 4G LTE diễn ra mới đây.
Lấy kinh nghiệm từ việc triển khai mạng di động 3G, ông Thắng cho biết: “Dù công nghệ 3G xuất hiện từ đầu những năm 2000 nhưng mãi đến năm 2009, tức là 9 năm sau đó, Việt Nam mới cấp phép 3G cho các doanh nghiệp di động. Đó là thời điểm mà thiết bị, nhất là thiết bị đầu cuối đã phát triển rất mạnh, giá xuống rất rẻ. Ngay khi đưa dịch vụ 3G vào thì lượng người dùng tăng rất nhanh, đáp ứng yêu cầu của xã hội”.
Theo đó, lộ trình, chính sách phát triển 4G được Bộ TTTT cân nhắc rất kỹ. “Việt Nam là nước đang phát triển, không thể sản xuất ra công nghệ nguồn thì phải xem xét, chờ đợi công nghệ đó chín muồi. Số lượng người dùng công nghệ đó trên thế giới phải tương đối phổ biến thì khả năng áp dụng thành công vào Việt Nam mới cao”.
Theo lộ trình được phê duyệt, năm 2014 vừa qua, Bộ TTTT đã cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G LTE ở một số băng tần như 2600 MHz. Ngày 1/3 vừa qua, Bộ trưởng TTTT đã ký ban hành thông tư cho phép triển khai 4G LTE ở cả băng tần 1800 MHz mà hiện các doanh nghiệp đang dùng cho 2G.
Đến đầu năm 2016 thì cơ quan quản lý sẽ cấp phép chính thức 4G dưới hình thức đấu thầu.
Chờ người dùng sẵn sàng
Trên thế giới, 4G LTE đang phát triển rất nhanh, với gần 500 triệu thuê bao và hơn 2400 chủng loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ. Theo Thứ trưởng Thắng, đó là tiền đề quan trọng cho Việt Nam triển khai 4G.
Đồng quan điểm, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương nhấn mạnh, lúc này, chi phí đầu tư cho mạng 4G của nhà mạng cũng giảm nhiều so với trước kia.
4G sẽ mở ra rất nhiều cơ hội và mô hình kinh doanh mới trong kỷ nguyên mà ngay cả ô tô, các thiết bị y tế, giáo dục, nhà thông minh đều có thể kết nối internet, và “chỉ có 4G mới là nền tảng công nghệ đáp ứng được yêu cầu của những dịch vụ mới này”.
Ông này khẳng định, đối với Việt Nam trong nhiều năm tới, 4G sẽ song song tồn tại cùng với 3G, hỗ trợ những dịch vụ mới đòi hỏi tốc độ dữ liệu cao hơn, tính năng bảo mật mạnh hơn...
Ngoài vấn đề băng tần cho 4G đã sẵn sàng, một yếu tố khác ảnh hưởng không nhỏ đến thành bại của việc triển khai mạng di động 4G, đó là giá bán thiết bị đầu cuối – hiện vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người Việt, chưa xuất hiện những smartphone 4G giá khoảng 1-2 triệu đồng.
“Đấy là một bài toán mà các nhà mạng đầu tư vào 4G cần tính toán, vì khi nhà mạng đầu tư 1 tỷ vào 4G thì xã hội cũng phải đầu tư 1 tỷ mua thiết bị đầu cuối” – ông Thắng nói.
Cuối cùng, ngành công nghiệp nội dung cần phải phát triển đồng bộ với 4G.
“Nếu chỉ đơn thuần là lướt web, check mail thì người dùng sẽ chẳng cần đến 4G, nhất là khi chất lượng 3G đang ngày càng tốt hơn. Công dụng của 4G chủ yếu là để xem TV, chơi game, để tải những dịch vụ dữ liệu rất lớn.
Do đó, muốn phát triển 4G thì rõ ràng doanh nghiệp nội dung nội cần phải tăng tốc và đón đầu – Thứ trưởng Thắng khuyến cáo – Nếu người dùng vẫn phải xem, sử dụng nội dung của nước ngoài thì chi phí vừa cao mà ngôn ngữ lại chủ yếu là tiếng Anh, trong khi đâu phải người Việt nào cũng nghe hiểu tiếng Anh, như thế không tương đồng với số đông”./.