Lãnh đạo QLTT than “nghèo khổ” và bị “mang tiếng”?

(PLO) -Việc hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại tràn lan như hiện nay cho thấy lực lượng QLTT chưa phát huy tốt vai trò quản lý. Thế nhưng, tại cuộc tọa đàm ở Cổng thông tin điện tử Chính phủ diễn ra vào ngày 31/10, ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó cục Quản lý thị trường (QLTT) lại nhấn mạnh rằng: Chưa có lực lượng nào “nghèo, khổ” như QLTT mà lại “mang tiếng” trong công tác chống buôn lậu. 
Lãnh đạo QLTT than “nghèo khổ” và bị “mang tiếng”?
Mới đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm về chủ đề đấu tranh với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, vì một thị trường lành mạnh. Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng, cục Điều tra chống buôn lậu, phụ trách Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhận định: Những năm qua, buôn lậu đã trở thành “quốc nạn” và là một cuộc chiến cực kì cam go và khó khăn.
Trong khi kết quả đạt được công tác chống buôn lậu chưa được như kì vọng. Hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại vẫn còn diễn ra phổ biến. Các đối tượng buôn lậu ngày càng nhiều những thủ đoạn tinh vi để đối phó với sự tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Cục Phó cục QLTT trả lời tại buổi tọa đàm.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Cục Phó cục QLTT trả lời tại buổi tọa đàm. 
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục QLTT cho biết: Hiện có quá nhiều bất cập trong chỉ đạo ngành. Công tác chống buôn lậu trong thời gian qua sự thống nhất giữa các lực lượng vẫn còn hạn chế, trong khi lực lượng QLTT lại mỏng và quá phân tán. Bên cạnh đó, nguyên nhân của việc hàng giả tràn lan cũng do người yêu dùng ham rẻ… 
Cũng theo ông Tín, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái nói chung là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng thực chất là Bộ Công thương hiện nay chỉ chỉ đạo lực lượng QLTT ở Cục QLTT. Mà cục QLTT chỉ có khoảng 62 người, còn lại 63 tỉnh Thành phố là trực thuộc Sở Công thương, trực thuộc UBND các tỉnh thành chứ không phải thuộc Cục QLTT quản lý theo ngành dọc, như mọi người lầm tưởng. Việc này, dẫn đến nhiều bất cập trong chỉ đạo điều hành, kể cả công tác tổ chức cũng mỗi nơi làm một kiểu. 
“Tôi thấy chưa lực lượng nào “nghèo, khổ” như lực lượng QLTT mà lại mang tiếng, thực sự là quá mang tiếng. Chỗ ở hầu hết phải đi thuê, hiếm mới có đội QLTT có ô tô thì ô tô lại cũ… Cho nên phó Thủ tướng đã có chỉ đạo giao Bộ Công thương, cục QLTT xây dựng đề án pháp lệnh QLTT, để gửi sang Bộ tư pháp và bộ nội vụ thẩm định, sau đó báo cáo với Chính phủ, QH, để có thể xem xét quan tâm đến lực lượng QLTT – hiện nghèo khổ quá, khó khăn.” – ông Nguyễn Trọng Tín ca thán.
Thực tế, vấn nạn hàng giả hàng nhái hiện có thể nói là tràn lan, phổ biến bất chấp việc hàng tuần hàng tháng, lực lượng QLTT trên cả nước đều rất “nỗ lực”, thường xuyên có những “ra quân” đấu tranh nhằm đẩy lùi vấn nạn này. Trong bối cảnh ấy, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng thuận với phát biểu của ông Nguyễn Trọng Tín, khi có ý cho rằng lực lượng QLTT “nghèo khổ quá, khó khăn quá” cũng ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của lực lượng QLTT. 
“Quản lý thị trường” phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Thành phố về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội cho rằng: Thực tế, không riêng gì QLTT, theo tính toán mức lương hiện tại của cán bộ công nhân viên chức nói chung mới đủ trang trải khoảng 70% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, lực lượng QLTT cũng phải chấp nhận, chia sẻ với khó khăn chung, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mới là đáng kể. Chứ đừng viện lý do để biện minh khi không hoàn thành nhiệm vụ, trước nhân dân.” – ông Vũ Vinh Phú nói.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Thành phố về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Thành phố về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội 
Hiện việc chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, chưa đạt được kết quả như mong đợi có nhiều nguyên nhân. Việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng, Công an, Hải Quan, Biên phòng, QLTT của ta hiện nay rất kém. Thậm chí có trường hợp “mâu thuẫn” giữa các lực lượng chức năng trong bắt giữ, xử lý hàng hóa, bên này nói không vi phạm, trong khi bên khác lại khẳng định là vi phạm. 
Không khó để có thể đưa ra nhiều ví dụ về các trường hợp cán bộ QLTT bị xử lý, kỷ luật do có hành vi, nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm. Cứ xem bảng thống kê các trường hợp cán bộ QLTT bị xử lý kỷ luật mỗi năm, thì sẽ thấy con số này không hề ít, và hiểu tại sao công tác đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại lại “gian nan” và không phát huy hiệu quả như hiện tại” – ông Vũ Vinh Phú thẳng thắn.    
Để chống được buôn lậu, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, lực lượng QLTT phải là lực lượng “trong sạch tinh nhuệ, thiện chiến”. Vấn đề hàng lậu không nằm ở việc số lượng người chống buôn lậu mà nằm ở chất lượng cán bộ có vấn đề. Hiện tại, chưa từng thấy một vị chủ tịch cấp tỉnh, huyện nào bị cách chức vì để xảy ra tình trạng buôn lậu cả. Phải thật mạnh tay, sẵn sàng xử lí nghiêm những lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thì mới có thể kiểm soát được buôn lậu.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường, để tránh khả năng phối hợp không ăn ý lại làm lộ bí mật, lộ kế hoạch công tác, đánh động cho do đối tương buôn lậu tẩu thoát./.

Đọc thêm