ĐBSCL: Phát triển giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

(PLO) - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật tại hội thảo báo cáo tổng kết dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Cần Thơ, hôm qua (10/8). 
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, sản xuất ra 50% sản lượng gạo và 70% thủy sản toàn quốc. Tuy nhiên, hiện tính cạnh tranh hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu còn hạn chế vì chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất tới nơi tiêu dùng khá cao so với các nước khác trong khu vực do hệ thống giao thông thủy, bộ còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư đúng mức. 

Hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT có vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt tại ĐBSCL đường thủy luôn là phương thức vận tải chủ yếu, đáp ứng vận chuyển khoảng 70 – 80% khối lượng hàng hóa trong vùng. Vùng ĐBSCL có 28.000km đường giao thông nhưng chỉ mới được khai thác 17.000 km. Do đó, phát triển giao thông thủy góp phần tạo điều kiện cho các sản phẩm nông, thủy sản của vùng có điều kiện xuất khẩu tốt hơn, nhanh hơn.

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy vùng ĐBSCL bằng Dự án WB5. Dự án này nhằm cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, giảm thiểu “điểm nghẽn” giao thông, giảm chi phí vận tải tại khu vực, tăng cường năng lực lưu thông, vận tải hàng hóa và tạo thuận lợi cho đi lại của nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng. 

Ông Nguyễn Huy Thăng, Tổng Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường thủy cho biết, dự án làm cải thiện cơ sở hạ tầng về đường bộ và đường thủy nội địa. Sau một thời gian dài thực hiện dự án từ năm 2007 đến năm 2016 Dự án WB5 đã đạt một số kết quả: nâng cấp hơn 11.000km đường bộ và hàng ngàn kilômét hành lang đường nội địa. Với mức giải ngân của Dự án WB5 là 10.115,26 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA 7.330,33 tỷ đồng và vốn đối ứng 2.814,93 tỷ đồng.

Đọc thêm