Để biển mãi xanh

(PLVN) - Việt Nam là quốc gia biển, có bờ biển dài trên 3.260km, diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác; trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh thành ven biển.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Biển Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển...

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển. Ngay cả nguồn lợi thủy sản, dầu khí trên biển, dưới lòng biển cũng không phải vô tận. Khai thác kinh tế biển, không chỉ vì hôm nay, mà còn phải biết để dành, tái tạo cho muôn đời con cháu mai sau. Bảo vệ môi trường biển, vì thế không chỉ bảo vệ nguồn lợi, mà rộng lớn hơn là bảo vệ không gian sống.

Chính vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn 2050, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Vấn đề hiện nay với chúng ta là kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Vì thế, tại Chiến lược, Chính phủ đề ra mục tiêu đến 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo. Đồng thời, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo...

Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Chính vì thế, phải ưu tiên bố trí không gian biển cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ...

Chúng ta đã có nhiều bài học khó sửa ở các đô thị, đó là quy hoạch xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp và sinh hoạt của dân cư luôn thụ động. Do vậy, rất nhiều dòng sông trong nội địa đã và đang chết. Chắc chắn, quy hoạch các khu công nghiệp, kinh tế ven biển; các cảng biển, nhà máy, vận tải thủy... phải được xem xét khi chưa quá muộn. Kinh tế biển bền vững phải là kinh tế xanh.

Đọc thêm