Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh một trong những điểm mới quan trọng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 là tách bạch quy trình xây dựng chính sách ra ngoài quy trình soạn thảo nhằm khắc phục tình trạng “vừa thiết kế vừa thi công” đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập đề nghị xây dựng VBQPPL. Trong quy trình xây dựng chính sách, đánh giá tác động về mọi mặt của chính sách là bước vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phương án tối ưu nhất giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn quản lý.
Những năm gần đây, việc đánh giá tác động chính sách đã có những chuyển biến tích cực, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đánh giá tác động chính sách trong quy trình lập đề nghị theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế như đôi khi còn mang tính hình thức, đánh giá chưa sát thực tế, còn phụ thuộc tư duy chủ quan của người xây dựng chính sách… Do vậy, chương trình tập huấn chính là cơ hội quý báu để các đại biểu nêu lên khó khăn, vướng mắc nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong khâu xây dựng nội dung và đánh giá tác động chính sách để từ đó đề ra giải pháp thống nhất, cách làm hiệu quả hơn.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp giới thiệu tổng quan về xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách. Theo đó, quy trình xây dựng chính sách gồm các bước: xây dựng nội dung chính sách; đánh giá tác động của chính sách và các giải pháp chính sách dự kiến; lập hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL; lấy ý kiến về chính sách, đề nghị xây dựng VBQPPL; thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL; trình cơ quan có thẩm quyền thông qua đề nghị xây dựng VBQPPL.
Tiếp đó, lớp tập huấn đã được giới thiệu về quy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL trong đó phân tích rõ về thẩm quyền ban hành văn bản và loại văn bản phải thực hiện quy trình chính sách; quy trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Nghị quyết HĐND; yêu cầu và quy trình đánh giá tác động của chính sách. Cụ thể, đánh giá tác động của chính sách là phân tích, dự báo tác động của chính sách đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách. Quy trình đánh giá tác động của chính sách gồm các bước: lập kế hoạch đánh giá tác động của chính sách; thực hiện đánh giá tác động của chính sách, các giải pháp; tổng hợp, lựa chọn giải pháp; lấy ý kiến dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách và hoàn thiện báo cáo.
Nội dung đánh giá tác động chính sách phải nêu rõ được vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp và lý do của việc lựa chọn. Các loại tác động cần đánh giá bao gồm tác động về kinh tế (lợi ích, chi phí), về xã hội (tiêu cực, tích cực), về giới (tác động kinh tế - xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng), tác động của thủ tục hành chính (sự cần thiết, chi phí tuân thủ, tính hợp pháp, hợp lý), tác động đối với hệ thống pháp luật (tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ).
Tác động của chính sách được đánh giá theo phương pháp định lượng và định tính. Phương pháp định lượng là dựa trên tính toán, so sánh chi phí, lợi ích theo các tiêu chí, do giải pháp thực hiện chính sách tạo ra đối với từng nhóm đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Phương pháp định tính là đánh giá dựa trên kết quả nghiên cứu và thực tiễn nhằm nhận diện, mô tả và phân tích tác động tiêu cực, tích cực theo các chỉ tiêu cho từng nội dung hoặc lĩnh vực tác động. Trong trường hợp không thể áp dụng phương pháp định lượng thì báo cáo đánh giá tác động của chính sách phải nêu rõ lý do.
Ngoài ra, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, hướng dẫn về quy trình đánh giá tác động của từng loại cụ thể đồng thời có những trao đổi, thảo luận, giải đáp vướng mắc về đánh giá tác động của chính sách và thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Lớp tập huấn sẽ kéo dài hết ngày hôm nay (28/7).