Đề cương văn hóa Việt Nam và ý thức tuân thủ pháp luật của nghệ sĩ ngày nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  80 năm trôi qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó có giới nghệ sĩ - những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa.
Hoạt động biểu diễn của các nhạc sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. (Ảnh Tư liệu)
Hoạt động biểu diễn của các nhạc sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. (Ảnh Tư liệu)

Lý tưởng lớn lao của những người nghệ sĩ

Kể từ khi ra đời vào năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Dưới ánh sáng của Đề cương, nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa đã từ bỏ quan niệm, lối sống cũ, bước đi những bước đầu tiên đến với cách mạng. Từ rất sớm, lực lượng văn nghệ sĩ đã trở thành lực lượng chủ chốt tham gia xây dựng nền văn hóa mới, nâng cao trách nhiệm công dân, dùng ngòi bút của mình để chống lại các xấu, cái ác, chống lại sự xâm lăng, nêu cao tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại những năm tháng hào hùng, có thể thấy được lý tưởng lớn lao của những người nghệ sĩ, những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đã cống hiến hết mình cho cuộc kháng chiến, cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của cả dân tộc như thế nào. Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp chúng ta đã có những tên tuổi lớn như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Kim Lân, Tố Hữu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu... không chỉ dùng ngòi bút làm “vũ khí” chống lại quân thù mà còn đặt nền tảng cho văn chương hiện đại Việt Nam. Trong âm nhạc, đi qua hai cuộc kháng chiến, đã có biết bao nhạc sĩ trưởng thành từ những khúc ca bi tráng, hùng tráng, dạt dào tình yêu Tổ quốc, khích lệ tinh thần chiến đấu quên mình vì lý tưởng vĩ đại. Trong các lĩnh vực khác như điện ảnh, hội họa... các nghệ sĩ kháng chiến cũng đã có nhiều thành tựu lớn lao đóng góp vào thành công của cuộc kháng chiến cứu quốc.

Trả lời báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo nền tảng lý luận quan trọng để hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ đã chung tay xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, toàn diện. Đề cương đã thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của nền văn nghệ dân tộc trong suốt 80 năm qua và đang tiếp tục là kim chỉ nam cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam” diễn ra mới đây, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đã khẳng định: “Một chặng đường dài 80 năm, văn hóa Việt Nam đã định hình một bản sắc như hiện nay - vẫn thấm đẫm 6 chữ dân tộc - khoa học - đại chúng. Và tôi nghĩ, cuộc sống xã hội hôm nay với điều kiện và vị thế đã tốt lên rất nhiều, biên độ và khái niệm của 6 chữ đó có thể được rộng mở, nhưng tinh thần và điều xác tín của dân tộc - khoa học - đại chúng vẫn đang đồng hiện trong đời sống văn hóa của đất nước ta”.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định, đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp, xứng đáng với danh hiệu cao quý nghệ sĩ - chiến sĩ, là lực lượng nòng cốt trực tiếp tạo nên nền văn học, nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ mới. Nghệ sĩ cần nhận rõ và chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa xa rời hay gây hại đối với đông đảo quần chúng, hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm và nâng cao tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa không ngừng được khoa học hóa, tiên tiến hóa, chống lại những gì làm cho văn hóa, đúng hơn là sản phẩm văn hóa, phản khoa học, phản tiến bộ.

Nghệ sĩ hiện nay cần ý thức vai trò, trách nhiệm của mình, coi Đề cương về văn hóa Việt Nam là kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghệ thuật. (Ảnh minh họa)

Nghệ sĩ hiện nay cần ý thức vai trò, trách nhiệm của mình, coi Đề cương về văn hóa Việt Nam là kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghệ thuật. (Ảnh minh họa)

Ngọn đuốc soi đường trong thời kì mới

Nhìn lại những năm qua, giới văn nghệ sĩ đã tiếp tục phát huy tốt truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước với sự chăm lo, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước.

Trong suốt tiến trình 80 năm, chúng ta luôn có những đội ngũ văn nghệ sĩ kế thừa đầy nhiệt huyết, đầy tài năng, làm nên những tác phẩm nghệ thuật lớn, đóng góp vào “gia tài” văn hóa dân tộc và được quốc tế ghi nhận.

Đến nay, Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng 4.0, đặt ra cả cơ hội và thách thức mọi hoạt động trong xã hội, trong đó có ngành văn hóa, mà nghệ sĩ là những người chịu tác động trực tiếp. Sự phát triển của internet và các trang mạng xã hội đã hình thành nên những kênh truyền thông đa diện, giúp nghệ sĩ có cơ hội được bộc lộ, phát huy tài năng, bày tỏ quan điểm sáng tạo. Internet không chỉ là một công cụ hỗ trợ sáng tạo đầy hữu hiệu, mà còn giúp nghệ sĩ đến gần dân hơn, lắng nghe tiếng nói của nhân dân một cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ nhanh nhạy, cập nhật xu thế đã sử dụng công nghệ để giúp cho sự nghiệp nghệ thuật càng lớn mạnh, tạo ra những tác phẩm giá trị, có tính quốc tế, được công chúng trong và ngoài nước đón nhận.

Tuy nhiên, mặt trái của kỉ nguyên số và cơ chế thị trường chính là có không ít nghệ sĩ thiếu bản lĩnh, bị lôi kéo bởi danh vọng, tiền bạc, đã đi ngược lại với tiếng nói nhân dân, đánh mất đi trách nhiệm phụng sự Tổ quốc thiêng liêng, làm ra những hành vi trái lương tâm, trái đạo lý, vi phạm thuần phong mỹ tục. Đó là trường hợp những nghệ sĩ được sinh ra trên đất nước Việt Nam, được Tổ quốc nuôi dưỡng, nhưng quay ngòi bút viết nên những điều phản bội Tổ quốc, chống phá cách mạng, chống lại nhân dân, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử và các giá trị văn hóa của dân tộc.

Có những nghệ sĩ có được hào quang, có được sự nổi tiếng là nhờ tình thương yêu, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, nhưng lại ném vào khán giả những văn hóa phẩm độc hại, những rác rến văn hóa, đầu độc nhân dân. Lại có không ít nghệ sĩ, bằng cách hành xử xấu xí, thiếu văn minh, bằng lối sống sa đọa, lệch chuẩn, trục lợi từ thiện, bằng các hành vi phát ngôn bừa bãi, khoe thân, chạy theo đồng tiền, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác... đã góp phần tạo nên những tấm gương xấu trong nhân dân, trong giới trẻ.

Những năm tháng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến không ít những hành vi như thế đến từ giới nghệ sĩ. Người dân đã bày tỏ nỗi bức xúc, thất vọng không ít trước các nghệ sĩ như thế. Và điều đáng lo ngại là những hành vi sai quấy, “phi nghệ thuật” đến từ một bộ phân nghệ sĩ đang có xu hướng lan rộng. Chính vì thế, khi có thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng quy trình xử lý như hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, đông đảo người dân đã bày tỏ sự ủng hộ.

Trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển vững mạnh, sẽ có không ít rào cản, không ít những “sỏi, sạn” trên đường đi. Tuy nhiên, đó chỉ là những hiện tượng nhất thời. Nghệ sĩ ngày nay đang đứng trước hai lựa chọn: Một là hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của văn hóa dân tộc, hai là trở thành những “vật cản”, để rồi không còn vị trí trong nền văn hóa, trong lòng khán giả.

Có thể thấy, Đề cương về văn hóa Việt Nam là một kim chỉ nam của mọi thời đại là một ngọn đuốc soi đường cho đến tận ngày nay. Các nghệ sĩ, dưới ánh sáng của ngọn đuốc ấy, cần luôn xác định được vai trò của bản thân là một bộ phận cốt lõi của văn hóa. Từ đó, kế thừa những thành tựu lớn lao mà tiền nhân để lại, không ngừng đổi mới chính mình, hội nhập quốc tế nhưng vẫn luôn phải giữ được phẩm chất tốt đẹp của người nghệ sĩ, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.