Để điện ảnh thành “đại sứ” du lịch: Cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Điện ảnh có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, đặc biệt là độ phủ sóng rộng rãi. Thông qua điện ảnh có thể quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các điểm đến của Việt Nam. Nhưng để nghệ thuật thứ bảy này trở thành “đại sứ” du lịch, cần giải pháp đồng bộ từ khâu xây dựng pháp luật cho tới việc thực thi tại địa phương.
Trường quay phim tại Ninh Bình đã trở thành điểm đến hút khách du lịch. (Nguồn: Internet)
Trường quay phim tại Ninh Bình đã trở thành điểm đến hút khách du lịch. (Nguồn: Internet)

Vì yêu phim mà mến đất, mến người

Tháng 6/2023, tại Diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, đại diện các tỉnh, thành đã và đang thụ hưởng thành quả phát triển du lịch từ thành công của các bộ phim liên quan nhận định đây là một thực tế rất cần quan tâm.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chiếu đã tác động rất mạnh đến ngành du lịch Phú Yên. “Trước đó, nhiều người không biết đến tỉnh Phú Yên, nhưng sau khi xem phim, rất nhiều du khách đã đến tìm hiểu, khám phá. Từ năm 2015 - 2019, lượng khách đến tỉnh tăng đột biến nên hạ tầng phục vụ du khách của tỉnh lúc đó chưa kịp để đáp ứng. Từ đó đến bây giờ, nhắc đến Phú Yên, mọi người đều nói là “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” và trở thành thương hiệu của tỉnh sau thành công của bộ phim”, ông Mỹ cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang chia sẻ, trước kia khi tỉnh đi xúc tiến, quảng bá trong miền Nam hay ra thế giới thì ít người biết đến Hà Giang. Nhưng những năm gần đây, sau khi các bộ phim “Chuyện của Pao”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Cha cõng con”, “Bầu trời đỏ”… được lấy bối cảnh từ tỉnh Hà Giang thì danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa nơi đây đã được giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. “Qua những bộ phim, nhiều người đã tò mò, muốn đến xem cao nguyên đá Đồng Văn, tìm hiểu đời sống của 19 dân tộc nơi đây với nhiều lễ hội độc đáo như nhảy lửa, kéo chày, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội lồng tồng… Vì vậy, công nghiệp văn hóa điện ảnh gắn với du lịch sẽ hỗ trợ nhau phát triển. Chúng ta cần lấy điện ảnh để phát triển du lịch và lấy du lịch để tiếp tục phát triển điện ảnh”, ông Hải đề xuất.

Cũng từ thực tế trên, Bộ VH,TT&DL lần đầu tiên tổ chức Chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 diễn ra tại Khánh Hòa từ ngày 16 - 18/6 vừa qua. Dựa trên sự phát triển và lan tỏa của điện ảnh ra thế giới, việc kết hợp diện ảnh với du lịch sẽ góp phần tích cực thu hút nhiều du khách. Qua phim ảnh, du khách quốc tế sẽ biết đến Việt Nam - một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. “Thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đã chứng minh điện ảnh là một kênh quảng bá vô cùng hữu hiệu cho các điểm đến du lịch. Sau mỗi thành công của các tác phẩm điện ảnh thì những nơi từng là bối cảnh trong phim trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách” - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông phát biểu tại Diễn đàn.

Cụ thể hóa chính sách ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài

Để phát triển ngành Điện ảnh, Việt Nam đang tập trung rất nhiều nguồn lực ưu tú về sáng tác nhưng không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ hợp tác từ nhiều phía, phối hợp mở rộng với đoàn phim nước ngoài, tổ chức các dịch vụ làm phim.

Tại Diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh”, từ góc nhìn các đoàn làm phim nước ngoài, bà Phan Cẩm Tú - Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cho rằng: “Cảnh đẹp ở Việt Nam có rất nhiều và con người cũng đầy tài năng. Tuy nhiên, chúng ta thiếu những lời mời cụ thể đối với các nhà làm phim nước ngoài. Chúng ta cần giới thiệu rõ ràng về cảnh đẹp, cơ sở vật chất; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi họ đến làm phim ở Việt Nam… Có thể đưa lên website những lời mời, những thông tin cụ thể để các nhà làm phim tiếp cận, tìm hiểu dễ dàng hơn”.

Câu chuyện “thiếu những lời mời cụ thể đối với các nhà làm phim nước ngoài” cũng đã hơn một lần được đề cập tới tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi ở Đà Nẵng” diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I năm 2023 vào tháng 5/2023. Các ý kiến tại Hội thảo cho thấy, vấn đề khó khăn cần giải pháp đồng bộ vẫn là việc cấp giấy phép cho cá nhân, doanh nghiệp, các nhà làm phim khi đến Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã tạo rất nhiều thuận lợi nhưng chính sách ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài thì chưa cụ thể.

Trong Dự thảo 8, Điều 42 có nội dung quy định rõ rằng đoàn phim nước ngoài được ưu đãi về thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, thuế vận chuyển đạo cụ vật liệu... Khoản 2 trong Điều này cũng nêu Bộ Tài chính và Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm triển khai cụ thể hóa, hiện thực hóa nội dung này. “Rất tiếc, khi Luật thông qua, Điều 42 bị thay bằng Điều số 5 rất vắn tắt là Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng thuế, đất đai cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật”, theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú.

Ông Tú cũng nhắc lại sự việc một đoàn phim Hollywood sang Việt Nam vào khoảng những năm 2000, đã thuê trực thăng để khảo sát bối cảnh, đã hoàn thiện giấy phép và chuẩn bị quay thì bất ngờ phải ngừng lại vào phút chót và buộc phải chuyển qua Thái Lan. Ông Tú cho rằng, các quy định cần được cụ thể hóa hơn nữa để thực hiện vừa đúng luật, vừa hấp dẫn cho đoàn nước ngoài, bởi lợi ích họ đem lại còn là quảng bá điểm đến, phát triển du lịch.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty BHD, việc xin giấy phép là quá trình vất vả nhất của đoàn làm phim: “Nếu một ngày đoàn làm phim phải quay hai chỗ thì việc xin giấy phép các sở, ngành rất vất vả, làm giảm đi thời gian, năng suất hoạt động. Hy vọng sẽ có cơ chế mới thuận lợi cho các đoàn làm phim, để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo. Luật Điện ảnh đã có chính sách hỗ trợ rồi, còn chính sách hỗ trợ thiết thực là nằm trong tay của các địa phương để áp dụng linh hoạt cho các đoàn làm phim”.

Từ kinh nghiệm của mình, các chuyên gia tham dự Hội thảo cũng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này, bằng cách thành lập các ủy ban hội đồng địa phương nhằm giúp đỡ đoàn nước ngoài. Nhiệm vụ của ủy ban này là giới thiệu về điểm đến, ưu đãi, thủ tục tại địa phương, giải quyết vấn đề về “giấy phép con”. Và để làm được điều này thì con người cũng phải được đào tạo để làm tốt nhiệm vụ, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, cụ thể của địa phương.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, Pháp giảm tối đa 50% thuế phí cho đoàn nước ngoài quay tại nước mình; Thái Lan cho phép cộng dồn các ưu đãi chiết khấu, thậm chí hoàn trả bằng tiền mặt... Đây có thể xem là một vài ví dụ về chính sách ưu đãi cho đối tác quốc tế khi sử dụng dịch vụ điện ảnh tại các quốc gia này.