Để du khách không phải 'mặc cả' khi đến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nạn “chặt chém” không chỉ ảnh hưởng đến sức chi tiêu của du khách khi du lịch mà còn làm hình ảnh Việt Nam mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế. Đây vẫn là một trong những vấn đề cần được ngành Du lịch quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục.
Hàng rong “chặt chém”, chèo kéo khách đã trở thành “điểm trừ” với du lịch Việt. (Ảnh minh họa - Báo TTH)
Hàng rong “chặt chém”, chèo kéo khách đã trở thành “điểm trừ” với du lịch Việt. (Ảnh minh họa - Báo TTH)

Liên tiếp xảy ra nạn “chặt chém” du khách

Mới đây, trên các diễn đàn du lịch đang xôn xao về việc du khách nước ngoài “tố” bị người bán hàng rong ở Hà Nội bán túi trái cây nhỏ với giá 200 ngàn đồng. Mặc dù người bán hàng đã bị xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá, đồng thời cam kết không tái phạm, nhưng sự việc vẫn được dư luận quan tâm.

Theo nhiều du khách đến Hà Nội, câu chuyện túi trái cây bán rong “chặt chém” với giá vài trăm ngàn đồng là không hiếm. Một số du khách cho biết do sơ suất không hỏi giá trước, nghĩ là giá vài trái xoài, ổi... hàng rong không cao, nhưng khi tính tiền mới “tá hỏa” vì giá cao gấp cả chục lần giá mua thông thường. Có người đã hỏi giá trước nhưng khi tính tiền vẫn bị báo giá cao hơn gấp mấy lần với lý do không rõ ràng. Đã có trường hợp du khách và người bán hàng rong cãi nhau vì chuyện “chặt chém” lộ liễu như trên.

Trước đó, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đã xử phạt người bán hàng rong tại quận này do bán 4 chiếc bánh rán với giá 50.000 đồng cho 2 vị khách nước ngoài, trong khi giá bánh rán vỉa hè ở Hà Nội chỉ dao động từ 3 - 5 ngàn đồng/cái. Những sự việc như xích lô, taxi “bẫy” khách với giá “trên trời” cũng đã xuất hiện nhiều lần tại Hà Nội, đến mức du khách truyền tai nhau phải hỏi giá, trả giá thật kĩ khi sử dụng các dịch vụ này.

Câu chuyện “chặt chém” trong ngành Du lịch nước ta không chỉ xuất hiện tại Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác. Tháng 10/2023, một tiktoker người nước ngoài làm việc ở TP Hồ Chí Minh đã quay hẳn một đoạn video miêu tả sự gian lận của một số đối tượng bán hàng rong. Trong clip này xuất hiện một người bán dừa trên vỉa hè đã chào giá một trái dừa ướp lạnh giá 150 ngàn đồng, hai người đánh giày dạo chèo kéo, o ép khách sử dụng dịch vụ đánh giày.

Trên các diễn đàn du lịch, một số du khách nước ngoài cũng than phiền gặp phải người bán hàng nói thách quá cao, thái độ xấu tại một số khu vực chợ như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đông Ba (Huế), chợ Bến Thành, Tân Định (TP Hồ Chí Minh)... Chuyện du khách đi mua hàng bị hét giá cao, sau đó trả giá, không thỏa thuận được bị người bán chửi bới, đuổi đi cũng đã xảy ra.

Cần xây dựng “hành lang giá”

Chị Elly Parkson, 35 tuổi, một vlogger người Mỹ đã hai lần đến Việt Nam chia sẻ, theo cảm nhận của chị, ở Việt Nam du lịch rất nhiều điều hay, nhiều cái thú vị. Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, thức ăn ngon, người dân thân thiện, lại rất an toàn. Nhưng điều khiến chị và nhiều du khách thường bối rối, khó chịu khi đi du lịch tại Việt Nam là tình trạng nói thách của người bán hàng. Theo chị Elly, du khách mới đến chưa có kinh nghiệm thường bị “dính” ngay cái bẫy nói thách của người bán, sau đó phát hiện ra thì rất bực mình, cảm thấy mất niềm tin. Còn những khách đã có kinh nghiệm, đôi khi cũng loay hoay không biết phải trả giá như thế nào, giá nào mới là giá đúng. Đó cũng là một rào cản cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam.

Trả lời báo chí, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ, nạn “chặt chém” có thể ảnh hưởng đến sức chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề đang được ngành Du lịch quan tâm. Để cải thiện tình trạng này, bà Hoàng đề xuất TP Hồ Chí Minh xây dựng một “hành lang giá” thống nhất, đồng thời quy hoạch và xây dựng các khu phố mua sắm. Việc đưa các gian hàng về một khu vực không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm mà còn giúp quản lý dễ dàng hơn. Các mặt hàng bày bán tại đây phải được niêm yết giá rõ ràng và có kế hoạch quảng bá, phát triển cụ thể.

Còn theo PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích trên báo chí, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển xã hội, vì vậy chỉ một hình ảnh xấu lan truyền trên internet thì mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay. Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Trung, nguyên nhân xảy ra tình trạng “chặt chém” chủ yếu là do chính người cung cấp dịch vụ chưa nhận thức hết về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm về mặt pháp luật khi tham gia vào thị trường du lịch. Ông Trung đề xuất, tại các điểm du lịch, yêu cầu người bán phải đăng ký thông tin sản phẩm, cam kết giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng “thuận mua, vừa bán”.

Hiện nay, nhiều địa phương đã có những hành động nhằm hạn chế tình trạng bán hàng rong lan tràn, làm mất mỹ quan, tình trạng bán hàng “chặt chém” du khách. TP Hà Nội từ năm 2022 đã có kế hoạch lắp đặt máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2025 nhằm từng bước hiện đại hóa hình thức bán lẻ, thay đổi thói quen mua sắm của người dân, du khách.

Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch đã triển khai xây dựng các mô hình bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; lắp đặt hệ thống camera tại các tuyến đường, quy hoạch khu vực bán hàng rong; khuyến cáo người dân và du khách cung cấp chứng cứ, hình ảnh; phối hợp tổ chức chốt trực tại hơn 30 tuyến điểm du lịch trọng điểm để phát hiện, xử lý hành vi tiêu cực... Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng định hướng phát triển thành phố thành một trung tâm mua sắm trong khu vực với việc phân bố kinh doanh rõ ràng, chuyên nghiệp hóa trong thanh toán.

Đọc thêm